Phân loại để tái chế nhựa hiệu quả

14/06/2024 08:15 Tăng trưởng xanh
Nhựa - vật liệu tưởng chừng vô hại lại đang âm thầm hủy hoại môi trường sống của chúng ta. Từ những chiếc túi nilon mỏng manh đến chai nhựa, ống hút, hộp xốp, nhựa len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ thành thị đến nông thôn, từ đại dương mênh mông đến những con suối nhỏ bé. Nỗi ám ảnh về rác thải nhựa ngày càng tăng cao, trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Rác thải nhựa là những đồ dùng, vật dụng có chất liệu làm từ nhựa và không còn giá trị sử dụng. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày như: Túi nilon, vỏ chai, cốc nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp và nhiều loại đồ dùng khác.

Phân loại để tái chế nhựa hiệu quả
Nhựa có ở khắp các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày

Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất và xử lý rác thải nhựa thải ra lượng lớn khí nhà kính, làm tăng nhiệt độ Trái Đất.

Nhựa thải ra môi trường sẽ dần phân rã thành những mảnh vụn nhỏ bé gọi là vi nhựa. Những vi nhựa này len lỏi vào chuỗi thức ăn, từ sinh vật phù du bé nhỏ, đến các loài cá, và cuối cùng là con người. Việc nạp vi nhựa vào cơ thể qua nguồn nước có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiêu hóa, tim mạch, thậm chí là ung thư.

Động vật thường nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn và nuốt phải, dẫn đến tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc ngộ độc. Các mảnh nhựa sắc nhọn có thể gây tổn thương nội tạng. Việc bị mắc kẹt trong rác thải nhựa cũng có thể khiến động vật bị thương hoặc tử vong. Rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm giảm đa dạng sinh học và nguồn thức ăn của động vật.

Tình hình ô nhiễm nhựa hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân đan xen phức tạp như: sử dụng quá nhiều sản phẩm nhựa, thiếu ý thức trong việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa, hệ thống xử lý rác thải nhựa chưa hoàn thiện, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, chính sách quản lý rác thải nhựa chưa đồng bộ.

Hạn chế rác thải nhựa là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và động vật. Việc giảm thiểu rác thải nhựa sẽ góp phần giảm tác động đến biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước và thực phẩm, và ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc và tổn thương cho con người và động vật.

Chúng ta đang khuyến khích giảm thiểu sử dụng nhựa, thu gom và tái chế rác thải nhựa để góp phần bảo vệ môi trường, nhưng không phải nhựa nào cũng tái chế được.

Rác thải nhựa tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau, được phân thành 2 loại chính: Nhựa tái chế được bao gồm các loại nhựa PET, HDPE, PVC, LDPE, PP,... và nhựa không tái chế được bao gồm các loại nhựa PS, EPS, PC,... Việc phân loại rác thải nhựa là bước đầu tiên để xử lý chúng một cách hiệu quả.

Phân loại để tái chế nhựa hiệu quả

Nhựa được tổng hợp, tạo thành từ các chuỗi phân tử dài gọi là polymer, các polymer khác nhau tạo ra các loại nhựa khác nhau. Một số polymer dễ tái chế hơn vì chúng có thể được nấu chảy và chế tạo thành sản phẩm mới, một số lại khó tái chế do chứa phụ gia như thuốc nhuộm hoặc hóa chất chống cháy. Việc tách nhựa khỏi các nguyên liệu khác rất khó, gây cản trở cho công tác tái chế, nhựa cũng cần được rửa sạch trước khi tái chế.

Thay vì sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc nhựa, ống hút nhựa, chúng ta nên sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như ống hút thiên nhiên tự phân huỷ (làm từ gạo, cà phê, cỏ bàng,...), hộp đựng thực phẩm bã mía, ly giấy,... Những sản phẩm này được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, an toàn và tự phân huỷ trong thời gian ngắn, giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra Trái Đất mỗi ngày.

Tái sử dụng đồ nhựa cũng là giải pháp hiệu quả cho môi trường nhưng cần thực hiện an toàn để bảo vệ sức khỏe, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi sử dụng, vệ sinh sạch sẽ, không dùng cho thực phẩm nóng hoặc trong lò vi sóng, hạn chế tái sử dụng nhiều lần.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cần có sự chung tay của mỗi cá nhân, tổ chức và chính phủ. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, thay đổi thói quen sử dụng, hạn chế đồ nhựa dùng một lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tái sử dụng và phân loại rác thải nhựa đúng cách. Tổ chức và chính phủ cần có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, đầu tư vào hệ thống xử lý rác thải nhựa, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng. Hạn chế rác thải nhựa là trách nhiệm chung, hãy chung tay hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giải quyết "điểm nghẽn" trong ô nhiễm môi trường

Phiên bản di động