08:10 | 17/10/2019

Cần kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngành ngân hàng phải tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, xây dựng cơ cấu tín dụng hợp lý, kiểm soát chặt chẽ các phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT...
Phó Thủ tướng tin nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% Nợ xấu và đầu tư không hiệu quả đang bao trùm Tập đoàn Bảo Việt Xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế: Không thể trong một sớm một chiều
can kiem soat tin dung vao linh vuc rui ro
Ảnh minh họa

Đó là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058 của Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với nợ xấu giai đoạn 2016-2020, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vừa qua.

Tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, Nghị quyết 42 ra đời đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trước đó trong việc xử lý nợ xấu, như cho phép TCTD có thể xử lý thu hồi nợ dưới giá gốc, bán nợ theo giá thị trường. Chính vì vậy, trong 2 năm qua, Agribank đã thu hồi được khoảng 60.000 tỉ đồng trên tổng số 140.000 tỉ đồng.

Theo ông Vượng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong xử lý nợ xấu là phát sinh thuế. Thực tế, nhiều tài sản đảm bảo được đấu giá thành công và dù thu hồi nợ dưới giá gốc, nhưng cơ quan thuế các địa phương áp dụng khác nhau khiến giao dịch kéo dài và người mua thiệt hại khi không thể chuyển đổi, sang tên, tiếp tục sử dụng tài sản này.

Theo quy định của Nghị quyết 42, ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ cho TCTD. Tuy nhiên, cơ quan thuế một số địa phương yêu cầu phải nộp đủ các loại thuế, nếu không sẽ không thể chuyển tên tài sản sang cho chủ mới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ngành ngân hàng phải tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, xây dựng cơ cấu tín dụng hợp lý, kiểm soát chặt chẽ các phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, đồng thời yêu cầu các TCTD phải kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT...

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các TCTD cũng phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, có giải pháp để hạ chi phí vốn cho nền kinh tế, nhất là khi NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành và lạm phát thực của Việt Nam rất thấp, chỉ 2-3%.

"Nếu giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đó chính là nuôi dưỡng thị trường, giống như thuế là bồi dưỡng nguồn thu" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Với 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương có dư nợ khoảng 23.000 tỉ đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN xây dựng đề án xử lý nợ theo hướng có cơ chế tín dụng phù hợp để tạo điều kiện cho hoạt động của các dự án này, bởi doanh nghiệp có sống được thì ngân hàng mới thu được nợ".

"Nếu ngân hàng cứ chắc lép quá sẽ không bao giờ xử lý được các dự án này và hơn 20.000 tỉ đồng nợ xấu sẽ không bao giờ thu được" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Theo số liệu thống kê của NHNN, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định 1058, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 236.800 tỉ đồng nợ xấu, trung bình mỗi tháng xử lý được 9.600 tỉ đồng, cao hơn 4.700 tỉ đồng/tháng của giai đoạn 2012-2017. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.

Đông Hải

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/can-kiem-soat-tin-dung-vao-linh-vuc-rui-ro-3607.html

In bài viết