Xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế: Không thể trong một sớm một chiều

02/09/2019 22:36 Tăng trưởng xanh
Mặc dù nợ xấu đã giảm, nhưng thực tế vẫn còn những điểm bất cập trong quá trình xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế.
Công ty thành viên Tập đoàn Nam Cường bị tố chiếm dụng khoản nợ hơn 50 tỉ đồng? Cục thuế Hà Nội: Bánh kẹo Hải Hà nhiều lần sai phạm về thuế
xu ly cuc mau dong cua nen kinh te khong the trong mot som mot chieu
Điểm giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đồng Hới (Quảng Bình). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) có hiệu lực, câu chuyện xử lý nợ xấu dường như bớt "nóng" hơn. Xử lý nợ xấu mặc dù đã khá hơn, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều điểm vướng mắc trong quá trình triển khai.

Theo lũy kế đến 30/6/2019, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được trên 263 nghìn tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, xử lý được 64,97 nghìn tỉ đồng. Xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, từ khi có Nghị quyết 42, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn Hà Nội đã giảm rõ rệt.

Cụ thể, tại thời điểm 31/7/2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,8%/tổng dư nợ; đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,02%/tổng dư nợ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng nhìn nhận, từ khi có Nghị quyết 42 số lượng khách hàng tự trả nợ đã tăng lên. Điều đó đã chứng minh Nghị quyết này là văn bản rất hữu ích cho xử lý nợ xấu.

Mặc dù nợ xấu đã giảm, nhưng thực tế vẫn còn những điểm bất cập trong quá trình xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế.

Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, VAMC không vấp phải nhiều vướng mắc về thuế, hay các trường hợp chây ỳ khi thu giữ tài sản. Thậm chí trên thực tế các trường hợp thu giữ của VAMC khá thuận lợi.

Vấn đề VAMC đang vướng mắc là thủ tục chuyển nhượng sang tên tài sản bảo đảm của nợ xấu.

Thậm chí khi VAMC đấu giá bán được rồi, khách hàng cũng đã bàn giao tài sản, nhưng người mua vẫn gặp khó khăn do không được hỗ trợ thủ tục.

Tổng Giám đốc VAMC dẫn chứng ở Bà Rịa - Vũng Tàu có trường hợp Công ty TNHH Đầu tư APG mua lại tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành với giá trị tài sản đấu giá gần 153 tỉ đồng.

Các bên hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua bán và tiến hành bàn giao tài sản từ tháng 5/2018.

Sau đó, công ty này đã nộp hồ sơ để thực hiện thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.

Nhưng đến nay đã 14 tháng, đơn vị trên vẫn chưa thể sang tên được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù VAMC cũng như doanh nghiệp này đã gửi rất nhiều văn bản đến các cơ quan liên quan, nhưng không được giải quyết.

Gần đây nhất Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản phúc đáp và đưa ra một số lý do khiến đơn vị này chưa có căn cứ để giải quyết trường hợp nêu trên.

xu ly cuc mau dong cua nen kinh te khong the trong mot som mot chieu
Một điểm giao dịch của Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Theo cơ quan này, tại thời điểm đấu giá, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thực hiện thẩm định điều kiện tham gia đấu giá theo các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, chứ không thực hiện thẩm định theo điều kiện quy định tại Điều 58 Luật Đất đai vì không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.

Theo chia sẻ của các ngân hàng, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, khó khăn thường gặp là do các quy định chồng chéo khi xử lý tài sản đảm bảo.

Trong khi đó, hoạt động thu hồi nợ xấu của VAMC và các tổ chức tín dụng phụ thuộc nhiều vào tốc độ xử lý tài sản đảm bảo.

Nhiều đại diện Ngân hàng cũng cho biết, kể cả sau khi có Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành và có hiệu lực, vướng mắc lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu vẫn là thu giữ tài sản.

Theo đó, nếu bên giữ tài sản bảo đảm không thiện chí thì ngân hàng không thể nào thu giữ được vì không có chế tài và biện pháp cuối cùng của các tổ chức tín dụng là phải khởi kiện, thi hành án và như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, một lượng lớn nợ xấu gắn với các đại án, vụ việc, dự án bị thua lỗ hoặc phá sản vẫn chưa được xử lý.

Quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các khoản nợ này cần phối hợp với nhiều cơ quan, chức năng và mất rất nhiều thời gian, thậm chí các cơ quan thực thi nhiệm vụ chưa vào cuộc quyết liệt.

Theo ông Nguyễn Danh Thắng, Giám đốc Trung tâm xử lý nợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong quá trình xử lý nợ xấu BIDV không thu giữ được tài sản do không có chế tài cụ thể.

Đến Công an quận, huyện thì bảo việc này của xã, phường nhưng khi xuống phường, xã lại bảo nhiệm vụ này của quận, huyện.

Còn ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thì cho rằng, khi có Nghị quyết 42 nhiều khách hàng đã tự nguyện tìm cách trả nợ và cũng có những lần thu nợ nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, để việc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn cần phải tháo gỡ những vướng mắc khó khăn mà các ngân hàng đang gặp phải.

Xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế không thể trong một sớm một chiều. Giải quyết câu chuyện này cần nhiều nguồn lực và VAMC đang được coi là một liệu pháp.

Tuy nhiên, ngoài hành lang pháp lý phải hoàn thiện, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tăng cường năng lực tài chính cho VAMC.

Ông Đoàn Văn Thắng khẳng định, tại thời điểm này nguồn lực tài chính của VAMC hạn chế nên chưa thể mạnh tay xử lý nợ xấu và mua nợ theo giá trị thị trường.

Theo lộ trình quy định tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", đến năm 2018, vốn điều lệ của VAMC được nâng lên 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 con số này được nâng lên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vốn điều lệ của VAMC chỉ có 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cấp bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng sau khi các bộ, ngành liên quan đã đồng ý với chủ trương này.

Trong kế hoạch triển khai 5 năm tới, VAMC cho biết năm 2019 sẽ mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường, xử lý 50.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trong năm 2019, doanh nghiệp này cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất Đề án xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung; trong đó VAMC là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai ngay trong năm 2020.

Đồng thời VAMC nghiên cứu, đề xuất mô hình, khung khổ pháp lý về sàn giao dịch nợ xấu để thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu trong năm 2020 - 2021.

Thống đốc Lê Minh Hưng đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu trong năm nay nợ xấu sẽ được đưa về mức 5% như mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Xa hơn, đến năm 2020 đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%.

Dù thời gian qua toàn hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực, nhưng để đạt được mục tiêu trên phải phấn đấu quyết liệt và tập trung xử lý trong thời gian tới.

Theo Mộc Miên/TTXVN
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động