15:22 | 12/11/2019

Quốc tế đánh giá Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng sạch

Theo trang CNBC của Mỹ, Việt Nam được đánh giá là vượt trội so với các quốc gia Đông Nam Á khác về sản xuất năng lượng tái tạo.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo Lợi thế về giá, Đông Nam Á đẩy mạnh sản xuất năng lượng mặt trời Năng lượng tái tạo từ khí thải: Vũ khí mạnh chống biến đổi khí hậu

Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo” (lược dịch), CNBC nhận định nước ta có “tham vọng táo bạo” về chuyển đổi sang năng lượng gió và Mặt trời, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác vẫn còn “nghiện” than.

Theo ông Andreas Cremer - Giám đốc Năng lượng và Cơ sở hạ tầng châu Âu, Trung Đông và châu Á của Công ty đầu tư DEG (Đức), Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng sản lượng điện tái tạo lên khoảng 23% vào năm 2030.

quoc te danh gia viet nam dan dau dong nam a ve nang luong sach
Ảnh minh hoạ.

Trích dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), một cơ quan có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, ông Cremer nhấn mạnh rằng 10,7% hỗn hợp năng lượng sẽ là từ năng lượng tái tạo và 12,4% sẽ là từ thủy điện.

Ông Rishab Shrestha - Nhà phân tích năng lượng và năng lượng tái tạo của Công ty tư vấn Năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie cũng cho biết, Việt Nam hiện dẫn đầu trong khu vực về năng lượng tái tạo với công suất tích lũy 5,5 GW vào năm nay, tương đương 44% tổng công suất trong khu vực. Con số này năm ngoái chỉ đạt 134 MW.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng sạch châu Á (Asia Clean Energy Summit) tuần trước, ông Cremer cho biết: "Kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam đang liên tục nở rộ. Các mục tiêu năng lượng tái tạo và thủy điện của chính phủ Việt Nam cho hỗn hợp năng lượng đã tăng từ 16% năm 2011 lên 23% vào năm 2016.”

"Điều đó thực sự khá ấn tượng nếu bạn biết rằng họ chỉ mới thay đổi kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2016 và thực hiện vào năm nay. Việt Nam đã có thể sử dụng hơn 4 GW công suất năng lượng tái tạo vào tháng 6, chiếm khoảng 8,28% hỗn hợp cung cấp điện Việt Nam”, ông Cremer nói thêm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam sẽ khó có khả năng loại bỏ sử dụng than hoàn toàn.

Ông Cremer nói: "Sẽ không thực tế nếu đòi hỏi các công ty ngừng hoàn toàn sử dụng than để dựa vào năng lượng tái tạo. Nhưng xu hướng chuyển đổi sẽ được duy trì". ông nói.

Lý do được ông Cremer đưa ra là mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và hướng đến cải thiện chất lượng không khí cho dân số ngày càng tăng, đặc biệt là tại các khu vực đô thị.

Một tín hiệu đáng mừng cho năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á là chi phí sản xuất đã giảm về mức tương đương với điện than. Điều đó mở ra cơ hội cho các chính phủ và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư.

Trong báo cáo của mình, Wood Mackenzie cho biết, toàn bộ Đông Nam Á vẫn là khu vực mới nổi trong lắp đặt pin Mặt Trời, với công suất pin Mặt Trời tích lũy dự kiến sẽ đạt 12,6 GW trong năm nay và tăng gần gấp ba lên mức 35,8 GW vào năm 2024.

Bản báo cáo nêu rõ: "Hệ thống pin năng lượng Mặt Trời quy mô lớn sẽ chi phối công suất lắp đặt trong 5 năm tới, và tiềm năng hệ thống pin năng lượng Mặt Trời quy mô nhỏ sẽ chiếm 32% công suất bổ sung vào năm 2024".

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/quoc-te-danh-gia-viet-nam-dan-dau-dong-nam-a-ve-nang-luong-sach-4561.html

In bài viết