15:20 | 17/11/2019

Tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến đường sắt đô thị

Trung tâm Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa đưa ra phương án điều chỉnh hàng chục tuyến buýt theo hướng kết nối với đường sắt đô thị. Đây là kế hoạch nhằm tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi cho quá trình di chuyển của người dân khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đi vào hoạt động. 
Kiểm tra an toàn đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội Phó Thủ tướng trao đổi "nóng" với Tổng thầu Trung Quốc về đường sắt Cát Linh-Hà Đông Hai Bộ trưởng bị truy trách nhiệm về 5 dự án đường sắt đội vốn

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt. Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung triển khai xây dựng, bổ sung các kế hoạch, đề án như: Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng...

Với xe buýt, sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. Trong các tuyến đường được lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt gồm có: Nguyễn Trãi - Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông), Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm... Trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông) sẽ được khôi phục lại vì trước đây tuyến đường này đã có 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt.

Song song với kế hoạch trên, Hà Nội cũng rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ôtô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị...

tang cuong ket noi mang luoi xe buyt voi tuyen duong sat tren cao
Phương án kết nối cho tuyến đường sắt đi vào hoạt động.

Để chuẩn bị cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị lên phương án kết nối các tuyến buýt với đường sắt đô thị. Cụ thể, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga đường sắt đô thị.

Tại ga Bến xe Yên Nghĩa, Tổng Công ty vận tải Hà Nội sẽ mở thêm cổng cho người đi bộ kết nối trực tiếp nhà ga với quảng trường dành cho xe buýt của bến xe Yên Nghĩa để giảm thời gian đi bộ của hành khách trung chuyển giữa đường sắt đô thị và xe buýt. Ngoài ra, các tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị được dán thêm ký hiệu chỉ dẫn là tuyến đi đến các ga đường sắt trên cao để nhân dân tiện sử dụng.

Trong năm 2019, Hà Nội cũng sẽ hoàn thành việc mở mới khoảng 20 tuyến và tăng lên 20-25 tuyến trong năm 2020. Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới xe buýt tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, du lịch...

Thanh Hương

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tang-cuong-ket-noi-mang-luoi-xe-buyt-voi-tuyen-duong-sat-do-thi-4721.html

In bài viết