Phó Thủ tướng trao đổi "nóng" với Tổng thầu Trung Quốc về đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Hai Bộ trưởng bị truy trách nhiệm về 5 dự án đường sắt đội vốn |
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng. Với chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga đi trên cao. Dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị "phá sản" do "vướng" 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng nay (1/10). |
Tại buổi làm việc sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra tại nhà ga Cát Linh - ga cuối cùng của dự án. Cùng dự làm việc với Phó Thủ tướng sáng nay có ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Sau khi thị sát nhà ga, lãnh đạo Chính phủ đã lên tàu đi thử để kiểm tra việc vận hành, lưu thông trên tuyến. Sau khi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi "nóng" với ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông về tiến độ, chất lượng dự án.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (phải) trao đổi trực tiếp với ông Đường Hồng (trái). |
"Bao giờ Tổng thầu thực hiện được các yêu cầu của chủ đầu tư, tư vấn để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác?" - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi đầu tiên với đại diện Tổng thầu Trung Quốc.
Trả lời lãnh đạo Chính phủ, ông Đường Hồng cho biết: "Tất cả những hồ sơ liên quan, những yêu cầu của tư vấn chúng tôi đều cung cấp để phục vụ đánh giá dự án. Nếu cần cung cấp hồ sơ, cần giải trình, tài liệu, chúng tôi đều đáp ứng và đang đợi ý kiến cuối cùng của tư vấn độc lập".
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối". |
Giám đốc dự án cũng cho rằng, Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, Việt Nam cũng lần đầu tiên có đường sắt trên cao nên các trình tự trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc, nhiều cái mới mẻ, các bên cũng chưa có kinh nghiệm để thực hiện.
Phó Thủ tướng nhắc nhở: "Quan trọng nhất là phải nghe tư vấn độc lập, họ là tư vấn quốc tế nên đơn vị thực hiện dự án phải tôn trọng cái chung". Ông Đường Hồng cho hay: "Chúng tôi rất phối hợp, phối hợp toàn diện và chặt chẽ với đơn vị tư vấn".
Phó Thủ tướng nói: "Nhưng vấn đề phải sớm, phải nhanh!". Giám đốc Dự án Đường Hồng thông tin: Việc đánh giá đang gặp một số vướng mắc vì đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào dự án ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành.
Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho rằng, Tổng thầu đã thực hiện quá chậm và yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thành. |
"Khi họ vào dự án và yêu cầu chúng tôi cung cấp một số hồ sơ, nhưng có những hồ sơ thời gian đã qua rồi nên hoặc là có hoặc không bổ sung được. Vướng ở đó, chủ yếu là về hồ sơ" - ông Đường Hồng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu khi bàn giao dự án, hồ sơ tài liệu phải có 3 bên là chủ đầu tư (Bộ GTVT), Tổng thầu và người quản lý vận hành, khai thác (Hà Nội), cùng đó là sự chứng kiến của các đơn vị tư vấn giám sát.
"Yêu cầu an toàn phải là số 1. Dự án phải đẩy nhanh lên, như thế này là quá chậm so với chờ đợi của người dân. Phải hợp tác có trách nhiệm cùng với các bên!" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Ông Đường Hồng giải thích: "Chúng tôi cũng rất sót ruột! Chúng tôi ở đây càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy chúng tôi cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao, để giảm chi phí cho nhà thầu".
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nhà thầu phải hoàn thiện dự án đảm bảo chất lượng, mỹ quan. |
Cho rằng dự án chậm do Tổng thầu thiếu và yếu về kinh nghiệm làm dự án đường sắt trên cao, Phó Thủ tướng "nghi ngờ" dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án lần đầu tiên Tổng thầu thực hiện và yêu cầu nhà thầu cần tập trung vào làm nhanh.
Trả lời Phó Thủ tướng, ông Đường Hồng giải thích Tổng thầu đã làm nhiều dự án tương tự ở Trung Quốc và đường sắt cao tốc cũng làm rất nhiều. "Ngoài xã hội cứ nói nhà thầu chúng tôi không có kinh nghiệm, nhưng thông tin đó không có cơ sở" - ông Đường Hồng nói.
Nghe tới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỏi: "Các ông hứa bao giờ làm xong?". Giám đốc dự án trả lời: "Bao giờ đưa vào vận hành khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định".
Phó Thủ tướng hỏi tiếp: "Vậy bao giờ dự án đủ điều kiện để chủ đầu tư chấp thuận đưa vào khai thác?" Đại diện Tổng thầu cho biết: "Công trình đã hoàn thành 100%, hồ sơ đã trình và bàn giao, chúng tôi đang chờ ý kiến đánh giá cuối cùng của tư vấn độc lập".
"Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Ông Đường Hồng phân trần: "Chúng tôi cũng rất mong muốn điều đó và càng nhanh càng tốt. Chậm trễ rất ảnh hưởng tới hình tượng và hình ảnh của chúng tôi".
"Muốn vậy thì phải làm, không lí sự nhiều!" - Phó Thủ tướng chốt lại cuộc trao đổi với Tổng thầu Trung Quốc.