Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và phát triển
Một số chính sách tác động đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành chụp ảnh lưu niệm. |
Năm 2019, ngành TN&MT đã chủ động, tích cực tham mưu cho Quốc hội, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, quyết sách, chính sách pháp luật để khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho mục tiêu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT cũng chủ động đề xuất, thúc đẩy việc triển khai các quyết sách có tính hệ thống, chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, công tác quản lý tài nguyên có nhiều chuyển biến. Các tồn tại hạn chế đang từng bước được khắc phục, nguồn lực tài nguyên đang được phát huy cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Thu ngân sách từ đất trong 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt 115,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11% thu ngân sách nội địa. Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được chuyển hóa thành nguồn lực và đóng góp cho tăng trưởng chung sau nhiều năm suy giảm liên tục. Tài nguyên nước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả hơn mang lại nguồn thu lớn...
Triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành TN&MT đã giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc để phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng biển, ven biển cho phát triển. Bộ TN&MT đã xây dựng trình Chính phủ Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều văn bản quan trọng khác...
Các giải pháp kiểm soát, bảo vệ môi trường được triển khai đạt nhiều kết quả. Đáng chú ý là các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm để vừa đảm bảo yêu cầu tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường. Bộ đã thiết lập 600 trạm quan trắc môi trường tự động tại các khu công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cao ô nhiễm, kết nối liên tục với 50 Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát, giám sát.
Bên cạnh đó, công tác dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục được nâng cao chất lượng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Để thực hiện mục tiêu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ yêu cầu đặt ra với ngành TN&MT trong năm 2020 và những năm tiếp theo là: “Quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường; Chủ động ứng phó với biến đổi cho phát triển bền vững”.
Thống nhất với phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2020, cũng như các giải pháp thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành TN&MT tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Hai là, tập trung điều tra, kiểm kê, thống kê các nguồn tài nguyên thiên nhiên; triển khai công tác lập Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt.
Ba là, tập trung trong công tác quản lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên biển.
Bốn là, hành động quyết liệt để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ với môi trường.
Năm là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Sáu là, tập trung hoàn thiện hạ tầng không gian địa lý, tích hợp dữ liệu các nền tảng trong ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Bảy là, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm nhằm nâng hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Tám là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, khoa học nghiên cứu, công chức, viên chức trong hệ thống ngành TN&MT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, toàn Ngành sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và phát triển.
Cũng tại Hội nghị, Bộ TN&MT ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.