Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh
Theo Thông tư 01/2023/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đưa ra 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh được ban hành gồm QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất; QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Thông tư 01/2023/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Theo Bộ TN&MT, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, các quy chuẩn hết hiệu lực thi hành gồm: QCVN 15: 2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; QCVN 05:2013/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Về quy định chuyển tiếp, theo Thông tư 01/2023/TT-BTNMT, đối với các nhiệm vụ, dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ đã được phê duyệt trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành có nội dung đánh giá các thông số nitrate (NO3- tính theo N) và phosphate (PO43- tính theo P), thì tiếp tục được áp dụng ngưỡng giới hạn thông số nitrate, phosphate quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; trừ các nhiệm vụ, dự án được điều chỉnh để áp dụng QCVN 08:2023/BTNMT.
Các nhiệm vụ, dự án xử lý đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật, hữu cơ khó phân hủy tồn lưu đã được phê duyệt trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục được áp dụng QCVN 54:2013/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; trừ các nhiệm vụ, dự án được điều chỉnh để áp dụng QCVN 03: 2023/BTNMT.
Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2023.
Bộ TN&MT cũng nêu rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, sở tài nguyên- môi trường các tỉnh thành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.
Trước đó, tại khoản 1 Điều 100 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định:
“1. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải quy định mức giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng của thành phần môi trường tương ứng, bao gồm:
a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật;
b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường trong thành phần môi trường bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.”
Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là quy định bắt buộc áp dụng mức giới hạn của thông số về chất lượng môi trường, hàm lượng của chất ô nhiễm có trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Theo đó, việc quy định mức giới hạn của thông số về chất lượng môi trường và hàm lượng chất ô nhiễm là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết trong công tác phù hồi và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các mức giá trị giới hạn cho phép các thông số môi trường phải đảm bảo duy trì sự sống và sự phát triển bình thường của con người và các dinh vật khác.
Tại Khoản 2 Điều 100 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định như sau:
“2. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.”
Chất lượng môi trường được xác định dựa trên các thông số môi trường và hàm lượng chất ô nhiễm. Chính vì vậy, các công tác đo đạc và phân tích thông số phải được tiến hành cần thận và thường xuyên để đảm bảo chất lượng sống. Nếu những thông số này có sai sót sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ đánh giá về chất lượng và các kế hoạch dự định sau này.
Trường Giang - Phạm Sinh
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.