Giá trị lịch sử quý hiếm, độc đáo của thuyền cổ mới phát hiện ở Bắc Ninh
![]() |
Quang cảnh hội thảo tại hiện trường đánh giá sơ bộ kết quả khai quật thuyền cổ. (Ảnh: Bảo Khánh) |
Ngày 26/3, tại hiện trường khai quật thuyền cổ thuộc khu phố Công Hà (phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả khai quật thuyền cổ.
Hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thảo luận đóng góp ý kiến tập trung vào hai vấn đề: Nhận định, đánh giá bước đầu về giá trị di tích; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuyền cổ.
Báo cáo tại hiện trường, TS. Phạm Văn Triệu, Chủ trì Đoàn khai quật cho biết: Thuyền cổ phát hiện có kích thước chiều dài 16,2m, rộng 2,25m, sâu khoảng 2,15m, chia thành 6 khoang, đáy độc mộc, trên ghép ván bằng mộng và chốt gỗ. Hai lòng thuyền được kết nối chắc chắn với nhau ở phần mũi. Kết cấu thuyền rất đặc biệt với liên kết kiên cố, kỹ thuật ghép mộng trình độ cao, toàn bộ đinh đóng thuyền bằng gỗ, hoàn toàn không có sự tham gia của kim loại. Quan sát thực tế, nhiều người cho rằng loại gỗ đóng thuyền là gỗ Táu mật. Hiện chưa xác định chính xác niên đại vì còn chờ kết quả phân tích mẫu Carbon - C14 (sau khoảng 20-25 ngày) và các nghiên cứu liên quan.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức, song qua nghiên cứu hiện trường và đối chiếu so sánh nhiều nguồn tư liệu, các nhà khoa học đánh giá đây là phát hiện vô cùng giá trị, quý hiếm, độc đáo nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Đây có thể là 1 thuyền 2 đáy (còn gọi thuyền hai lòng hay thuyền song thân), kết cấu thuyền cực kỳ độc đáo không chỉ phạm vi trong nước mà với cả thế giới.
![]() |
Toàn cảnh về đôi thuyền cổ mới được phát hiện ở Bắc Ninh. |
Để xác định quy mô, cấu trúc tổng thể và tính chất sử dụng thuyền cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu toàn diện, mở rộng phạm vi khai quật, xác định không gian cảnh quan xung quanh, tìm hiểu mối liên hệ với không gian lân cận để nhận diện giá trị, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp. Hiện tại, phương án tối ưu nhất được các nhà khoa học gợi mở là bảo tồn cấp thiết tại chỗ, đồng thời tiếp tục mở rộng nghiên cứu.
Quá trình khai quật thuyền cổ được tiến hành từ ngày 3/3 đến 3/4/2025 do TS. Phạm Văn Triệu, Phó Trưởng phòng Khảo cổ học Lịch sử (Viện Khảo cổ học) chủ trì. Vị trí xuất lộ dấu tích thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu, là một nhánh của sông Thiên Đức - sông Đuống, chảy sát với bờ thành phía tây của thành Luy Lâu, cách thành Luy Lâu khoảng 1 km, cách chùa Dâu khoảng 600 m về phía Đông Bắc và cách chùa Tổ (thờ Phật Mẫu Man Nương) khoảng 500 m theo đường chim bay.