Những điểm mới của Luật BVMT năm 2014 nói chung và liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp môi trường nói riêng

01/10/2018 17:40 Chính sách - Pháp luật
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi (Luật BVMT 2014) ngày 23 tháng 6 năm 2014 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, gồm 20 chương và 170 điều. Luật BVMT 2014 tăng thêm 05 chương và 34 điều so với luật bảo vệ môi trường năm 2005. Luật BVMT 2014 so với Luật BVMT 2005 có những điểm mới như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Về nội dung cơ bản của phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đã được giữ nguyên. Đối tượng áp dụng đã được xác định cụ thể và rõ đó là áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
2. Giải thích từ ngữ:
Luật BVMT 2014 đã bổ sung thêm 9 thuật ngữ mới so với Luật BVMT 2005 đó là: Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, sức khỏe môi trường, công nghiệp môi trường, kiểm soát ô nhiễm, hồ sơ môi trường, quy hoạch BVMT, hạ tầng kỹ thuật BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), an ninh môi trường.
3. Nguyên tắc bảo vệ môi trường: Luật BVMT 2014 quy định thêm 03 nguyên tắc về BVMT so với Luật BVMT 2005 đó là: BVMT phải gắn liền với bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành; BVMT phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải; BVMT quốc gia phải gắn kết với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.
4. Chính sách bảo vệ môi trường: Luật BVMT 2014 quy định bổ sung chính sách về nguồn vốn đầu tư, trong đó yêu cầu bố trí khoản chi riêng cho BVMT trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí BVMT được quản lý thống nhất và ưu tiên cho các lĩnh vực trọng điểm trong BVMT (Khoản 5, Điều 5); Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường; Gắn kết các hoạt động BVMT, bảo vệ tài nguyên với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường; Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có những đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT.
5. Những hành vi bị nghiêm cấm: Luật BVMT 2014 đã bổ sung thêm những quy định về những hành vi bị nghiêm cấm so với Luật BVMT 2005 đó là: Cấm những hành vi vận chuyển chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; Cấm thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào không khí; Cấm đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật; phá hoại; Cấm xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên;Đặc biệt là ‘Cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái về quản lý môi trường’.
6. Quy hoạch bảo vệ môi trường
Quy hoạch BVMT là nội dung hoàn toàn mới của Luật BVMT 2014 gồm 05 điều: nguyên tắc cấp độ(cấp quốc gia và cấp tỉnh), kỳ quy hoạch (10 năm và tầm nhìn 20 (năm), nội dung quy hoạch trách nhiệm lập quy hoạch, tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, rà soát và điều chỉnh quy hoạch. Tại Điều 9 của Luật quy định Quy hoạch BVMT phải được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, vì vậy phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch sử dụng đất; phải dựa trên hiện trạng tự nhiên, kinh tế, xã hội để phân vùng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường, quản lý chất thải, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật BVMT
Luật BVMT 2014 quy định cụ thể trách nhiệm lập quy hoạch và quy hoạch phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối quy hoạch được quy định tại Điều 8đến Điều 11 của Luật này và pháp luật có liên quan.
7. Đánh giá môi trường chiến lược
Luật BVMT 2014 quy định rõ việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Kết quả ĐMC phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (Khoản 2 và 3, Điều 14). Điều 15 Luật BVMT 2014 quy định cụ thể 10 nội dung chính của ĐMC.
8. Đánh giá tác động môi trường
Điều 20 Luật BVMT 2014 quy định về lập lại báo cáo ĐTM, theo đó, chỉ những dự án không triển khai trong vòng 24 tháng, thay đổi địa điểm dự án, phải lập lại báo cáo ĐTM. Ngoài ra, đối với những dự án có thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường, Luật giao Chính phủ có quy định cụ thể. Nội dung của báo cáo ĐTM cũng được quy định cụ thể hơn tại Điều 222. Luật BVMT 2014 quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Khoản 1, Điều 27); các hội đồng thẩm định chỉ có chức năng tư vấn cho cơ quan thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định.
Luật BVMT 2014 quy định “chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kết quả thực hiện các công trình BVMT phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT” (Khoản 2, Điều 27). Đồng thời, để tránh việc gây khó dễ cho chủ dự án, Điều 28 Luật BVMT 2014 quy định ‘trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình BVMT quy định tại Khoản 2, Điều 27 của Luật này. Cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Như vậy, chỉ có những dự án do Chính phủ quy định mới có hậu thẩm định và hậu thẩm định bị ràng buộc trong thời gian nhất định.
9. Kế hoạch bảo vệ môi trường
Luật BVMT 2014 quy định 06 điều mới về kế hoạch BVMT và giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng phải lập kế hoạch BVMT, Luật cũng quy định trách nhiệm tổ chức xác nhận kế hoạch BVMT của cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện (và có thể ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp xã với điều kiện cụ thể).
10. Ứng phó với biến đổi khí hậu
Luật BVMT 2014 đã giành riêng chương IV gồm 10 Điều quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, đây là lần đầu tiên đã luật hóa những quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu trong mối liên quan chặt chẽ với BVMT.
Nội dung của chương IV tập trung vào các quy định trách nhiệm và hoạt động của tổ chức, cá nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu như: lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quản lý phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozon; Phát triển năng lượng tái tạo; Sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường; Thu hồi năng lượng từ chất thải; Quy định quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; Quy định quyền và trách nhiệm các chủ thể, của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu trong phạm vi quốc gia và hợp tác quốc tế.
11. Bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Bảo vệ môi trường biển và hải đảo được quy định tại Chương V (Điều 49,50,51) của Luật BVMT năm 2014 gồm các nội dung: quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo. Luật quy định: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến biển và hải đảo phải có nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
12 Bảo vệ môi trường nước, đất và không khí
Bảo vệ môi trường nước sông: Luật BVMT năm 2014 có các nội dung quy định: (i) Về việc định kỳ quan trắc, đánh giá chất lượng nước và trầm tích của các lưu vực sông; (ii) Về các vấn đề bảo vệ môi trường các lưu vực sông xuyên biên giới, việc xây dựng các cơ sở phát sinh chất thải vào các lưu vực sông phải xem xét tới khả năng chịu tải của các lưu vực sông; (iii) Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường lưu vực sông nội tỉnh, trách nhiệm của bộ tài nguyên và môi trường trong ban hành, hướng dẫn các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông; trong quan trắc, đánh giá môi trường các lưu vực sông liên tỉnh.
Bảo vệ môi trường đất: Luật BVMT 2014 đã bổ sung quy định về bảo vệ môi trường đất và quản lý chất lượng môi trường đất và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất. Theo đó, bảo vệ môi trường đất là bảo vệ tài nguyên đất, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất, người gây ô nhiễm đất phải có trách nhiệm xử lý và phục hồi môi trường đất. Những quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với bảo vệ môi trường đất, tạo nền tảng pháp lý để mở rộng các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường đất.
Bảo vệ môi trường không khí: Luật BVMT 2014 quy định mọi nguồn thải khí phải được kiểm soát và trách nhiệm giảm thiểu, xử lý khí thải của các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải khí. Đây là nội dung được tách riêng, bổ sung cụ thể và nhấn mạnh hơn về bảo vệ môi trường không khí nhằm làm rõ các quy định pháp luật đối với thành phần môi trường này.
13. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
i. Bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung
Luật BVMT 2014 đã quy định cụ thể về BVMT khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (từ Điều 65 – Điều 67), trong đó quy định rõ chức năng của cơ quan quản lý BVMT, tổ chức và hoạt động BVMT tại các khu vực này và giao Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết có liên quan trong BVMT tại các loại hình tổ chức sản xuất nêu trên
ii. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Luật BVMT 2014 đã đưa ra định nghĩa cụ thẻ về phế liệu đó là “vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại từ quá trình sản sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”; Phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Theo quy định này, chỉ có những loại phế liệu đã có quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới thuộc danh mục phế liệu do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Luật BVMT 2014 quy định các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có các điều kiện cụ thể, trong đó có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, xử lý tạp chất đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ được phép nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ và quy định chỉ có tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất mới được phép nhập khẩu phế liệu.
iii. Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ
Luật BVMT 2014 đã quy định rõ trách nhiệm của chủ cơ sở, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể; không quy định cụ thể loại sản phẩm nào cần thu hồi trong Luật..
14. Quản lý chất thải
Luật BVMT 2014 Chương IX (từ Điều 85 đến Điều 103) quy định các nội dung về quản lý chất thải từ yêu cầu về quản lý chất thải, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải,, thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải, trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong quản lý chất thải…, đến quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ.
Luật BVMT 2014 đã quy định rõ về điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại.và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại; Xác định rõ nội dung quản lý chất thải nguy hại trong quy hoạch BVMT do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với các quy định này, quản lý chất thải có tính thống nhất với trách nhiệm đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
15. Xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường
Luật BVMT 2014 quy định về xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường tại Chương X trong đó đã nêu rõ ử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và quy định rõ hơn về phòng ngừa sự cố môi trường, ứng phó sự cố môi trường, xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại do sự cố môi trường và trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý có liên quan.
Với quy định tại Điều 104, Luật BVMT 2014 đã luật hóa một số nội dung quan trọng của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
16. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường
So với Luật BVMT 2005 quy định về, Luật BVMT 2014 đã quy định bổ sung quy chuẩn kỹ thuật tại Chương XI về quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường, trong đó quy định: (i) Các loại quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường không khí xung quanh, quy chuẩn kỹ thuật chất thải và các quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác; (ii) Các nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; (iii) Ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật môi trường; (iv) yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường không khí xung quanh, chất thải và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.
17. Quan trắc môi trường
Luật BVMT 2014 có một chương riêng về quan trắc môi trường, quy định các thành phần môi trường và chất phát thải cần được quan trắc, chương trình quan trắc, các loại tổ chức và hoạt động thuộc hệ thống quan trắc. Luật BVMT 2014 quy định trách nhiệm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khu công nghiệp, khu chế xuất,… Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hoạt động quan trắc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quan trắc môi trường, phục vụ BVMT và phát triển kinh tế - xã hội.
18. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Luật BVMT 2014 ( từ Điều 139 đến Điều 143) đã quy định rất rõ trác nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước bề BVMT, trong đó quy định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về BVMT, đặc biệt là chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án quốc gia về BVMT. Luật BVMT 2014 cũng quy định các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành Thông tư, Thông tư liên tịch về BVMT trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.
19. Nguồn lực bảo vệ môi trường
Nguồn lực bảo vệ môi trường được quy định chương XVI (từ điều 147 đến Điều 155) của Luật BVMT 2014 dồm các nội dung cụ thể về: chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, phát triển dịch vụ môi trường, ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp môi trường, truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, Điều 155. Giáo dục về môi trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
Về chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, Luật BVMT 2014 cũng có những quy định mới như: sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các hoạt động BVMT, bổ sung các hoạt động BVMT cần được chi từ ngân sách sự nghiệp BVMT, trong đó có xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, chương trình, đề án BVMT và đa dạng sinh học (Luật Đa dạng sinh học không có quy định nguồn ngân sách sự nghiệp BVMT chi cho các hoạt động đa dạng sinh học). Mặt khác, Luật BVMT 2014 có khoản quy định chi đầu tư phát triển cho các hoạt động khác có liên quan đến BVMT như xử lý chất thải, xây dựng các trạm quan trắc môi trường, xử lý sự cố môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học,.. (Khoản 2, Điều 147). Với quy định này, nguồn chi cho BVMT được mở rộng, tránh sự lạm dụng ngân sách từ sự nghiệp BVMT cho một số hoạt động liên quan đến BVMT.
Luật BVMT 2014 cũng đã có quy định rõ về phát triển dịch vụ môi trường (Điều 150), , phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường Điiều 152) và phát triển công nghiệp môi trường (Điều 153).
20. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường
Luật BVMT 2014 tại Chương XVII quy định các nội dung về ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường, bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong đó nêu rõ việc ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập các Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của Việt Nam. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
21. Thanh tra, xử lý trách vi phạm, giải quyêt tranh chấp khiếu nại, tố cáo về môi trường
Luật BVMT 2014 tại chương XVIII (từ Điều 159 đến Điều 162) quy định nội dung về trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm, tranh chấp về môi trường, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường, trong đó giao cho: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn.
Về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân gây ô nhiễm môi trường tại Điều 164 đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của tổ chức mình.
22. Bồi thường thiệt hại về môi trường
Luật BVMT 2014 tại Chương XIX (từ Điều 163 đến Điều 167) quy định những nội dung về: thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường. Tại Điều 165 quy định rõ nguyên tắc xác định trách nhiệm: người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
23. Những quy định của Luật BVMT 2014 liên quan đến phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Luật BVMT 2014 tại Điều 3 khoản 14 đã đưa ra khái niệm cụ thể về ngành Công nghiệp môi trường đó là ‘một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường’. Tại Chương XVI có Điều 153. Phát triển công nghiệp môi trường quy định ‘Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử lý và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường’. Đây là tiền đề tạo điều kiện đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường góp phần vào công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để cụ thể hóa nội dung này đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn (Nghị định, thông tư…) cụ thể về việc phát triển ngành công nghiệp môi trường được nêu trong Luật Luật BVMT 2014tạo điều kiện triển khai.

 Ts. Trần Hữu Bưu
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động