Nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

18/09/2023 08:10 Văn hóa
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật thế giới. Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một khu di sản văn hoá cần phải được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại, ngày 04/12/1999, khu di tích Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách di sản văn hoá thế giới của UNESCO.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn toạ lạc tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam, được xây dựng từ cuối thế kỷ IV - XIII với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp.

Nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp nổi tiếng của người Chăm.

Hiện nay, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tiếp tục được quản lý nghiêm ngặt theo công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiếp tục được đẩy mạnh.

Theo đó, thời gian qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, ban ngành huyện Duy Xuyên và toàn thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó nhiệm vụ chính trị bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn được tăng cường và có những thuận lợi cơ bản.

Qua 9 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu kế hoạch đã đạt được những kết quả tích cực. Việc bảo tồn, trùng tu di tích được thực hiện có hiệu quả, cụ thể: đã hoàn chỉnh việc gia cố trùng tu tháp B6, tu sửa hoàn thành đường nội bộ, diệt cây cỏ thân mộc trên tường tháp khu A’; thực hiện công tác giám sát, báo cáo đánh giá hiện trạng các di tích, báo cáo định kỳ cho tổ chức UNESCO; xây dựng hồ sơ, phối hợp Viện Khảo cổ khai quật thăm dò khảo cổ khu vực nhóm tháp K; di tu bổ dưỡng tháp B6, cải tạo lối đi nội bộ, phát dọn, tạo cảnh quan tháp M,N.

Ngoài ra, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tiến hành kè sinh thái chống sạt lở khu vực suối Khe Thẻ đoạn qua khu tháp B,C,D. Bổ dưỡng, làm rào chắn đài thờ tháp A10, bảo vật quốc gia. Cử cán bộ tham gia cùng đoàn khảo sát của trường đại học Nhật Bản khảo sát tại các khu vực di tích Chăm các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Hỗ trợ, hợp tác cùng chuyên gia Italia khảo sát, phát quang, dọn dẹp khu tháp L nhằm thực hiện dự án khai quật, trùng tu tháp L. Đôn đốc, góp ý dự thảo đề án quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn.

Theo ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, việc bảo tồn, trùng tu di sản Mỹ Sơn thời gian qua rất được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực, qua đó, không những góp phần phát huy giá trị di sản mà còn giúp tăng thêm sự trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan khu di tích Mỹ Sơn.

Qua thống kê của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, tổng số lượng khách trong 9 tháng qua ước đạt 279.703 lượt khách, trong đó hách nước ngoài ước đạt 231.004 lượt, so với cùng kỳ 27.254 lượt, tăng 847,6% so với cùng kì; khách Việt Nam ước đạt 39.037 lượt, so với cùng kỳ 36.720 lượt, tăng 106,3% so với cùng kì.

Nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Lượng khách du lịch đến với Mỹ Sơn 9 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ, là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi du lịch mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh công tác trùng tu di sản, việc triển khai các nội dung quản lý, bảo tồn di tích cũng được thực hiện định kỳ thường xuyên. Trong đó, công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035 đang được đẩy mạnh.

Với sự phục hồi trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, ngoài những nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh và mang tính hiệu quả cao. Nhờ đó, không ngừng gia tăng lượt khách đến với Mỹ Sơn, đặc biệt là khách quốc tế tăng cao.

Theo đó, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến như liên kết, đẩy mạnh thương hiệu du lịch như: quảng bá hình ảnh 360 độ trên nền tảng website, quảng bá trên hệ thống mạng xã hội, tập gấp, pano tại các khu, điểm du lịch; khai trương sản phẩm chuyển đổi số AudioGuide, bước đầu ứng dụng hiệu quả tại Di sản, đáp ứng nhu cầu đa ngôn ngữ của du khách tham quan; gặp gỡ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới,…

Ngoài ra, xây dựng sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá tại các địa điểm du lịch, khai thác hiệu quả sản phẩm múa Chăm mới; thực hiện các hoạt động xúc tiến tại các sự kiện do tỉnh Quảng Nam tổ chức tại các thị trường như Ấn Độ, Malaysia và các tỉnh phía Nam; phối hợp tạo điều kiện để các đoàn làm phim, các tờ báo lớn quảng bá du lịch Việt Nam, du lịch Mỹ Sơn,…

Nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Chất lượng các hoạt động biểu diễn văn nghệ, đào tạo diễn viên, các chương trình nghệ thuật văn hóa phi vật thể Chăm được nâng cao.

“Đơn vị đã ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đơn vị như: thuyết minh đa ngôn ngữ Audio Guide, Tham quan thực tế ảo 3600,… Ngoài ra, việc xúc tiến, quảng bá du lịch, cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đơn vị thông qua ứng dụng chuyển đổi số cũng được thực hiện có hiệu quả” – ông Phan Hộ cho biết.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đổi mới các hoạt động để phù hợp với từng giai đoạn, cũng như tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến mãi, kích cầu du lịch mới. Đặc biệt là liên kết đến công ty, doanh nghiệp du lịch, các tổ chức cá nhân phục vụ công tác thu hút khách. Mở rộng các điểm check-in, nghỉ ngơi cho du khách. Hoàn thành các tiêu chí xây dựng Mỹ Sơn thành điểm du lịch xanh và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu kết hợp với các hoạt động tuyền thông nhằm tạo dấu ấn điểm đến cho Di sản Thế giới Mỹ Sơn.

Nguyễn Nhàn, Huỳnh Thảo
Xin chờ trong giây lát...

Hà Nội tiếp sức, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Phiên bản di động