Thầm lặng những người hùng trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học

18/07/2024 07:36 Văn hóa
Thường nhật, cho dù tiết trời nóng bức, hay ngày mưa ướt đẫm mặt đất; dù ngày bình thường, hay dịp Lễ Tết, dưới tán rừng xanh mát, là bước chân không mỏi của những người hùng thầm lặng vẫn ngày đêm bám trụ với rừng để làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Những người hùng thầm lặng

Đối mặt với nhiều mối đe dọa từ hành vi chặt phá rừng lấy gỗ, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy,… lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Khu bảo tồn (KBT) Sao la Quảng Nam được xem là những người hùng chiến đấu vì sự tồn vong của rừng, chống lại các hành vi vi phạm vào KBT Sao la, góp phần bảo vệ và gìn giữ sự sống xanh mướt của rừng cũng như bảo vệ hệ sinh thái và những giá trị đa dạng sinh học tại nơi được gọi là ngôi nhà lớn nhất của loài Sao la ở Việt Nam.

“Xem rừng như nhà, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của KBT Sao la Quảng Nam chẳng ngại khó khăn, nguy hiểm vì điều kiện địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, phải đi bộ nhiều ngày, ăn ngủ tại rừng, thiếu thốn đủ thứ, họ vẫn hết mình làm nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn những hành vi săn bắt động vật, khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng, nhằm bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học tại ngôi nhà của Sao la”, ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam chia sẻ.

Thầm lặng những người hùng trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học
Những cuộc tuần tra ngày đêm giữa rừng của các lực lượng không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, mà còn là sự hi sinh thầm lặng của những người hùng với lòng yêu nghề cao cả. (Ảnh: WWF VN)

Trong cuộc chiến ngăn chặn lâm tặc, ngăn chặn việc săn bắt động vật hoang dã tại KBT Sao la Quảng Nam, các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bao gồm kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng địa phương đang nỗ lực hết sức, tạo một bước tiến lớn trong việc bảo vệ lá phổi xanh, giữ gìn hệ sinh thái, đem lại nhiều hi vọng cho việc bảo tồn loài Sao la Việt Nam.

Phan Thành Vinh - một cán bộ trẻ tuổi, công tác tại Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam chia sẻ về những khó khăn, vất vả của công việc tuần tra ở rừng, anh cho biết: Khó khăn vất vả thì nhiều lắm, như là mỗi chuyến tuần tra thường kéo dài 5 đến 8 ngày trong rừng. Mỗi đợt tuần tra từ 5 đến 6 thành viên, ba lô mỗi người phải cõng gần 20kg vượt đèo, lội suối. Đi tuần tra phải ở lại trong rừng nên phải xa gia đình, không có sóng điện thoại, ăn ngủ túc trực trong rừng nên thiếu thốn nhiều thứ,… Anh tâm sự rằng, ban đầu cảm thấy rất khó khăn và tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhưng dần khi bắt đầu quen với công việc, cảm nhận được cùng với anh em làm nhiệm vụ hết sức ý nghĩa thì dù cho có khó đến đâu anh và mọi người cũng vượt qua được hết, vì anh hiểu rằng, hành động vì thiên nhiên là trách nhiệm của tất cả mọi người, trong đó có cá nhân anh.

“Nếu chẳng may đang đi làm nhiệm vụ mà bị ốm, trường hợp cảm nhẹ thì có thuốc, còn nặng thì anh em bắt buộc phải khiêng ra ngoài để có đội ngũ y tế điều trị. Nguy hiểm nữa là bị sự cố tai nạn khi leo thác, trượt dốc hay bị rắn độc cắn. Công việc tuy vất vả nguy hiểm nhưng mình đã cống hiến gần 10 năm tuổi nghề rồi nên tự thấy quen và yêu công việc hơn. Mình thật sự tự hào vì đang góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” của trái đất”- anh Vinh nói.

Thầm lặng những người hùng trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học
Sự hi sinh thầm lặng và tâm huyết vì màu xanh của núi rừng của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại KBT Sao la Quảng Nam với mong muốn giữ gìn và nhân lên những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng. (Ảnh: WWF VN)

Không quá ngạc nhiên khi anh Vinh chia sẻ rằng, trong các chuyến tuần tra, không ít lần anh và đồng nghiệp bị trượt chân ngã khi đang leo thác hay vượt qua các cung đường dốc, trơn trượt nhưng cũng may chỉ bị chấn thương nhẹ. Qua đó cho thấy, bất cứ lúc nào cũng có thể đối mặt với sự nguy hiểm, rủi ro rình rập.

Tại KBT Sao la Quảng Nam, có 2 lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là kiểm lâm và bảo vệ rừng địa phương, họ đảm nhiệm những công việc độc lập. Trong đó, lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm về pháp luật và phòng cháy rừng; lực lượng bảo vệ rừng làm nhiệm vụ tuần tra và tháo dỡ các loại bẫy, ngăn chặn các vi phạm trong KBT để bảo vệ sinh cảnh của chúng cũng như những giá trị đa dạng sinh học.

Nỗ lực để trở thành “vùng trắng” không còn súng săn

“Hơn 10 năm trước, KBT Sao La Quảng Nam được ví như tọa độ nóng về nạn săn bắt động vật hoang dã. Chính vì vậy nên nhiều động vật quý hiếm cũng dần mất đi hoặc di cư đi nơi khác. Tỉnh Quảng Nam quyết định đóng cửa rừng, thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách, cùng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát. Hiện nay, các chuyên gia nước ngoài đánh giá sinh cảnh của Sao la dần phục hồi và tốt lên. Tần suất xuất hiện một số loài thú quý hiếm nhiều hơn so với trước”, Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam - Lê Hoàng Sơn cho biết.

Vấn nạn săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn diễn ra một cách âm thầm, thường xuyên và ngày một tinh vi. Ngoài những nỗ lực của KBT trong công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức các chuyến tuần tra tháo gỡ các loại bẫy đặt trái phép trong KBT thì việc phối hợp với lực lượng công an các cấp, chính quyền địa phương vận động người dân tố giác, giao nộp súng săn kết hợp phát triển sinh kế là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng nhằm làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phận Khu bảo tồn.

Vận động, tuyên truyền người dân giao nộp súng săn, vật liệu nổ.
Vận động, tuyên truyền người dân giao nộp súng săn, vật liệu nổ.

Từ khi thành lập đến nay, với nhiệm vụ được giao, Ban quản lý KBT Sao la đã luôn nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, minh chứng bằng việc tổ chức gần 2.000 đợt tuần tra, tháo gỡ hàng ngàn bẫy các loại (theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến tháng 6/2024 đã tháo gỡ 38.011 bẫy). Tuy nhiên, ngoài mối de dọa đến các loại động vật hoang dã từ việc đặt các loại bẫy trái phép thì việc người dân sử dụng các loại súng săn tự chế, vũ khí tàng trữ trái phép để lén lút săn bắt là vấn nạn luôn hiện hữu lâu nay tại các xã thuộc vùng đệm của KBT.

Xuất phát từ tình hình đó, ngày 4/3/2022 Ban quản lý KBT đã chủ động ban hành Kế hoạch số 60/KH-BQL về việc phối hợp với Công an xã trong hoạt động tuyên truyền vận động người dân giao nộp súng săn tại các cộng đồng vùng đệm. Bước đầu mang lại một số kết quả nhất định.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Kế hoạch số 6240/KH-UBND về mở đợt cao điểm vận động Nhân dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam phối hợp với chính quyền địa phương xã Tà Lu, Công an xã Tà Lu thực hiện chương trình “Đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”.
Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam phối hợp với chính quyền địa phương xã Tà Lu, Công an xã Tà Lu thực hiện chương trình “Đổi gạo lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”.

Với sự phân công nhiệm vụ cụ thể và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Đến nay, người dân trên địa bàn đã thực hiện việc giao nộp các loại súng săn tự chế, vũ khí quân dụng cho Lực lượng công an các xã với kết quả rất đáng ghi nhận.

Nỗ lực bảo tồn ngôi nhà lớn của loài Sao La

Sao la là một trong những loài thú lớn đặc hữu, sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp hạng mức nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ của Việt Nam.

Vào năm 1992, loài Sao la xuất hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Mãi đến 15 năm sau (2013), tại KBT Sao la Quảng Nam, bằng máy ảnh cảm biến, WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) đã phát hiện một con Sao la đang đi ăn. Kể từ đó không ghi nhận thêm thông tin gì mới về sự xuất hiện của loài này.

Việc tái phát hiện Sao la tại vùng rừng sâu của tỉnh Quảng Nam là một điều đáng mừng, một hi vọng mới trong việc bảo tồn loại động vật đặc hữu quý hiếm này, song song với việc hồi sinh những cánh rừng Trung Trường Sơn ở Việt Nam và Lào.

Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam cho biết, Thời gian qua, Ban Quản lý KBT đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học tại nơi được gọi là ngôi nhà lớn nhất của loài Sao la, hay còn được gọi là “Kỳ lân Châu Á”, cần được ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam.

BQL KBT loài Sao la thường xuyên phối hợp chính quyền các địa phương, Hạt kiểm lâm huyện Tây Giang và Công an các xã tuyên truyền Pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ…
BQL KBT Sao la thường xuyên phối hợp chính quyền các địa phương, Hạt kiểm lâm huyện Tây Giang và Công an các xã tuyên truyền Pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ…

Bên cạnh đó, để phát hiện và nắm bắt kịp thời các hoạt động săn bắt trái phép động vật hoang dã cũng như phá hủy môi trường tự nhiên, Ban quản lý KBT đã sử dụng công nghệ Smart giúp giám sát, thu thập và phân tích dữ liệu về các mối đe dọa Sao la và môi trường sống của chúng, cũng như của các loài động vật khác trong KBT.

Bên cạnh đó, camera trap (máy chụp hình tự động) cũng được sử dụng để ghi lại hình ảnh và video của loài Sao la về hành vi, sinh thái học và phân bố; giúp chúng ta hiểu hơn về tập tính, môi trường sống và quan hệ với các loài khác của Sao la, từ đó đưa ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả hơn.

Công nghệ Smart và Camera trap giúp giám sát và thu thập dữ liệu về Sao la và các loài Động vật hoang dã khác.
Công nghệ Smart và Camera trap giúp giám sát và thu thập dữ liệu về Sao la và các loài Động vật hoang dã khác.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong KBT, cũng như ngăn ngừa các mối đe dọa đến các loài động thực vật, đặc biệt để loài Sao la và môi trường sống của chúng, rất cần thiết phải thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguyễn Nhàn - Nguyễn Điềm
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động