Dùng công cụ kinh tế để tối thiểu hóa chi phí làm giảm ô nhiễm

20/02/2020 13:26 Tác động môi trường
Định hướng sử dụng công cụ kinh tế, dựa vào nguyên tắc thị trường cho bảo vệ môi trường sẽ được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo sự đột phá trong bảo vệ môi trường ở nước ta và là biện pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến tích cực trong hành vi của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.
Công cụ kinh tế và nguồn lực cho quản lý môi trường
dung cong cu kinh te de toi thieu hoa chi phi lam giam o nhiem

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp “Tổng kết, đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống các công cụ kinh tế, dựa vào nguyên tắc thị trường cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, được tổ chức sáng ngày 19/2, tại Hà Nội.

Dự án do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ năm 2020 – 2021, với mục tiêu điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng các công cụ kinh tế và các cơ chế dựa vào thị trường để đề xuất các công cụ, cơ chế, lộ trình và các giải pháp phù hợp, góp phần hoàn thiện các nội dung pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại buổi tổng kết Dự án, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều nước trên thế giới như Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan… đã áp dụng hiệu quả quy định về phí ô nhiễm không khí, phí ô nhiễm nước, phí rác thải, phí sử dụng môi trường, thuế môi trường, phí sản phẩm… Việc sử dụng các công cụ kinh tế trên ở các nước cho thấy một số tác động tích cực như các hành vi môi trường được thuế điều chỉnh một cách tự giác, các chi phí của xã hội cho công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả hơn, khuyến khích việc nghiên cứu triển khai kỹ thuật công nghệ có lợi cho bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn thu nhập phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và cho ngân sách nhà nước, duy trì tốt giá trị môi trường của quốc gia. Những công cụ kinh tế này dựa trên nguyên tắc thị trường, sẽ tối thiểu hóa chi phí làm giảm ô nhiễm so với công cụ dựa vào quy định; đồng thời khuyến khích các chủ thể gây ô nhiễm đầu tư đổi mới công nghệ.

Đây cũng là việc thể chế hóa nguyên tắc: “người gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên phải trả chi phí khắc phục và tái tạo”, “người sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền”; từ đó, điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng; tạo nguồn thu ngân sách hoặc nguồn tài chính để cung cấp các hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vận dụng các nguyên tắc, cơ chế thị trường vào trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam để tạo ra động lực cho các bên thay đổi hành vi?

Theo tổng hợp của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường đã được áp dụng trong một số lĩnh vực ở Việt Nam như trong chi trả dịch vụ môi trường, đến ngày 31/12/2018, cả nước đã thu được 2.937,9 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số phí thu từ nước thải năm 2017 là hơn 2.100 tỷ đồng, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản năm 2017 là hơn 2.452 tỷ đồng. Về thuế, theo dự toán ngân sách năm 2019 được Quốc hội thông qua, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường là 68.926 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bất cập về công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam nằm ở chỗ, thuế môi trường, phí môi trường hay các hình thức ký quỹ phục hồi môi trường chưa được thể hiện đầy đủ và chưa sát với thực tiễn để huy động đủ nguồn lực đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế trong quy định phân bổ và sử dụng nguồn thu từ thuế, phí và các nguồn tài chính khác cho bảo vệ môi trường…

Dự án “Tổng kết, đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống các công cụ kinh tế, dựa vào nguyên tắc thị trường cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam” hướng đến việc đề xuất hệ thống các công cụ kinh tế, cơ chế dựa vào thị trường cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Đồng thời, đề xuất lộ trình tái cấu trúc, giải pháp để phát huy vai trò của hệ thống các công cụ kinh tế này trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Dự án cũng sẽ xây dựng dự thảo các điều khoản quy định về công cụ kinh tế, cơ chế dựa vào thị trường trong pháp luật bảo vệ môi trường sửa đổi.

Đánh giá cao ý nghĩa của Dự án này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, kết quả quan trọng mà Dự án đem lại là đề xuất các chính sách pháp lý, các cơ chế để áp dụng hệ thống công cụ kinh tế vào tình hình thực tiễn trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Định hướng sử dụng công cụ kinh tế, dựa vào nguyên tắc thị trường cho bảo vệ môi trường sẽ được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo sự đột phá trong bảo vệ môi trường ở nước ta; để môi trường, thực sự là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững đất nước.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động