Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng cho một vùng “tứ giác nước” được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông và sông Luộc ở phía Nam. Tổng chiều dài của hệ thống kênh chính là 232 km và trên 2000 km kênh các loại, trong đó kênh Kim Sơn là dòng sông chính của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài 34,5 km, qua 5 huyện, thị xã: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Ân Thi, Mỹ Hào; các phụ lưu gồm các sông: Tam Bá Hiển, Điện Biên, Tây Kẻ Sặt, Cửu An và mạng lưới sông nội đồng trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài hơn 100 km.
Trải qua hàng chục năm, công trình này đang phải “oằn mình” chống đỡ với tình trạng ô nhiễm. Nguyên nhân ô nhiễm do dòng sông phải tiếp nhận các nguồn nước thải, chất thải sinh hoạt từ cộng đồng dân cư địa phương, nước thải công nghiệp từ các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, sản xuất nông nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, nước rỉ rác từ các bãi rác dân sinh và các loại chất thải rắn khác,… với lưu lượng ngày càng lớn khiến sông Bắc Hưng Hải phải “gồng mình” gánh chịu, làm tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng.
(Hình ảnh khu vực cống Xuân Thụy trước khi cải tạo thuộc huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) |
Tình trạng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Đi theo dòng nước từ công trình cống Xuân Quan, huyện Văn Giang về cống Kênh Cầu, khu vực cầu Lực Điền, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Qua cảm quan cũng có thể thấy tại nhiều đoạn, nước sông đã chuyển sang màu đen, nổi váng. Mùi hôi thối từ dòng nước lan cả vào khu dân cư lân cận khiến nhiều nơi người dân không dám dùng nước để tưới rau. Ngoài ra tại đầu nguồn, sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) qua cống Xuân Thụy. Ðây cũng là nguyên nhân làm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Nước sông Cầu Bây chuyển sang màu đen, sủi bọt trắng thường xuyên xả vào sông Bắc Hưng Hải với tần suất ngày một tăng lên làm trình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng khiến người dân hết sức bức xúc.
Hệ thống Bắc Hưng Hải đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng (nguồn ảnh internet) |
Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng
Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Bắc Hưng Hải, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều phương án, giải pháp như tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nghiên cứu, tổ chức các biện pháp di dời các bãi rác dọc tuyến sông Bắc Hưng Hải; ra quân thu gom rác thải. Tiến hành quy hoạch các điểm tập kết, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cách xa tuyến sông, kênh; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ các bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải. Tổ chức cho các hộ dân trên các xã, phường, thị trấn gần các công trình thủy lợi ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, không vứt, đổ, xả chất thải gây ô nhiễm môi trường tại các kênh, mương, sông thuộc hệ thống thủy lợi.
Đặc biệt, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn gây nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng ra quân làm sạch hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh đã xử phạt 370 trường hợp là các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt tổng số tiền lên tới hơn 11 tỷ đồng. Điển hình là tháng 6/2021, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã đề xuất chủ tịch UBND tỉnh xử phạt Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối, có địa chỉ tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn và một số vi phạm khác với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đồng chí Thượng tá Nguyễn Tuấn Đức – Trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Công an tỉnh cho biết: “Lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, công tác đấu tranh còn gặp nhiều khó khăn do hệ thông thủy lợi Bắc Hưng Hải trải dài, đi qua nhiều địa phương; lại chịu ảnh hưởng của nhiều hoạt động từ các doanh nghiệp và người dân. Do vậy, giải pháp lâu dài cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, ủng hộ của người dân nhằm triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của sông Bắc Hưng Hải.”
Được sự đồng ý, chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Huyện ủy - Ủy ban nhân dân các huyện Văn Lâm, Văn Giang, ngày 25/3/2022, Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường chủ trì phối hợp với Đoàn thanh niên Công an tỉnh Hưng Yên, Huyện đoàn Văn Lâm, Văn Giang tổ chức Lễ phát động ra quân làm sạch môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngay sau lễ phát động, đoàn viên thanh niên các đơn vị đã ra quân trực tiếp vớt rác, làm giảm rác trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải
Để hệ thống Bắc Hưng Hải không phải “oằn mình” hứng chịu ô nhiễm và dần bị “chết dần, chết mòn”, ngoài sự vào cuộc chủ động, tích cực của Công an tỉnh Hưng Yên, sự quyết tâm của chính quyền, cơ quan chức năng thì rất cần sự ủng hộ đồng lòng của nhân dân các địa phương chung tay nỗ lực để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải, nhằm hồi sinh các dòng sông “chết” trở lại, góp phần làm trong sạch sông Bắc Hưng Hải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sống của nhân dân tại địa phương. Muốn đạt được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Đặc biệt là phối hợp giữa các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh và Thành phố Hà Nội là các tỉnh, thành phố có địa phận sông Bắc Hưng Hải chảy qua. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các sở ban ngành của tỉnh như Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở y tế, Sở tài nguyên và môi trường,… về việc quản lý các cá nhân tổ chức có hoạt động xả nước thải, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Hai là, chú trọng công tác tham mưu các cấp có thẩm quyền để tăng cường quản lý đối với các tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói chung và xung quanh hệ thống sông Bắc Hưng Hải nói riêng. Từ đó có các chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, phát động nhân dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là xung quanh hệ thống sông Bắc Hưng Hải nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các hình thức như: thông tin đại chúng (báo, đài tiếng nói, truyền hình, loa phát thanh), mạng xã hội (Zalo, Facebook), báo điện tử, cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hưng Yên,….
Ba là, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, đặc biệt là Công an các huyện, thị xã có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua tiếp tục công tác nắm tình hình kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Bốn là, phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ môi trường, tiến tới khôi phục sông Bắc Hưng Hải. Bằng những việc làm cụ thể như: Xây dựng công trình thanh niên (công trình bảo vệ môi trường), phần việc thanh niên gắn với làm sạch (dọn rác, vớt rác, thông tắc, ùn ứ dòng chảy do rác thải,…), tuyên truyền phổ biến cho người dân, các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường,…. Đồng thời, chủ động các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi xả thải thông qua Phiếu phản ánh tình hình an ninh trật tự tại cơ sở - Vì bình yên cuộc sống (Qua Cổng thông tin điện tử tỉnh Công an tỉnh Hưng Yên, đường link: http://congan.hungyen.gov.vn/; Zalo Công an tỉnh Hưng Yên; Trang Facebook Đoàn thanh niên Công an Hưng Yên: https://www.facebook.com/doanthanhniencahy; hoặc các đường dây nóng và trụ sở Công an gần nhất).
Tuy nhiên bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng thì cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó nhân tố quyết định là nhân dân. Mỗi người dân cần phải hiểu được rằng việc “xả rác” tưởng chừng “vô hại” đã và đang tác động xấu đến môi trường, trực tiếp là môi trường sống, sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Từ đó nêu cao tinh thần giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh với khẩu hiệu “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp”, “Thấy rác là nhặt”, “Xả đúng nơi, đổ đúng chỗ”,… bằng các việc làm cụ thể, thiết thực. Thay đổi tư duy, thay đổi suy nghĩ, từ bỏ các thói quen cũ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nghiêm túc hơn trong mọi hành động để bảo vệ, giữ gìn môi trường xung quanh, nơi mình sinh sống sạch, đẹp và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài.
Đề nghị người dân sinh sống ở gần hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải không đổ, xả rác thải, chất thải vào hệ thống sông, kênh, mương của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Kịp thời báo tin cho các đơn vị chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải sẽ thay đổi một diện mạo mới trong tương lai không xa.
Thượng úy Nguyễn Minh Khánh - Ủy viên BCH Chi Đoàn
Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường