Hà Nội tập trung phát triển giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Hiện nay, các khu đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm khí thải nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Khí thải từ hệ thống giao thông đô thị là vấn đề cần được chú trọng khi nó gây ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế- xã hội, chất lượng môi trường sống… đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Số lượng phương tiên giao thông lớn vô tạo sức ép lớn trong công tác quản lý cũng như bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường không khí. |
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 1,2 triệu xe ô tô, 0,2 triệu xe điện và 6,7 triệu xe máy. Mỗi năm thành phố Hà Nội tăng khoảng 390.000 phương tiện giao thông, chủ yếu là loại phương tiện sử dụng nhiên liệu khí đốt xả thải ra môi trường. Trong những năm gần đây tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp. Trong đó, phương tiện giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm.
Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí (IQAir) xếp Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao. Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã có những bước đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh.
Thành phố sẽ tập trung phát triển hệ thống phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Trong đó khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… Đây cũng là nỗ lực tiền đề để giao thông xanh phát triển trong thời gian tới.
Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe đạp công cộng.
Trước đó, vào ngày 21/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội chính thức lăn bánh. Đến nay, thành phố đã cho phép đưa vào khai thác 10 tuyến buýt điện từ E01 đến E10. Thời gian qua, 10 tuyến xe buýt điện đang hoạt động đã được người dân đánh giá cao về cả chất lượng phục vụ cũng như chất lượng phương tiện.
Xe buýt điện có độ văn minh lịch sự cao, tquá trình đón trả khách an toàn và cẩn thân hơn với các loại xe buýt thông thường do không bị kiểm soát về thời gian dịch chuyển và bị áp tần suất giờ quá nhiều khiến.
Xe buýt điện đang trở thành phương tiện giao thông công cộng được nhiều người lựa chọn để di chuyển. |
Ngày 2/7/2024, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội thống nhất xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố. Theo Đề án, Hà Nội đặt mục tiêu 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030.
Từ thực tế của thành phố, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe - 1.807 xe và 1.694 xe; tổng chi phí đầu tư đến năm 2033 là 52.000 tỷ - 47.000 tỷ và 43.000 tỷ đồng.
Sở GTVT đề xuất thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG), khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện). Hiện nay Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của Hà Nội được xây dựng dựa trên Quyết định 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030. Trong đó, với lĩnh vực giao thông đô thị, đặt mục tiêu từ năm 2025 thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại thủ đô Hà Nội. Đề án cũng là nhằm góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ nước ta là đưa phát ròng về 0 vào năm 2050.
Phương tiện xe đạp công cộng được đưa vào vận hành trên địa bàn thành phố. |
Cùng với việc chuyển đổi phương tiện buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp phục vụ cho người dân đô thị tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông, cho thấy sự liên kết chặt chẽ trong mạng lưới giao thông công cộng, tạo lên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi, hợp lý.
Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để nghiên cứu bố trí thêm làn đường dành riêng cho xe đạp trên những tuyến đường đủ điều kiện.
Cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông xanh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần có chính sách sáng tạo đổi mới trong việc vận hành, quản lý. Tạo cơ hội để người dân và các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tiếp cận đến các phương tiện chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Bên cạnh đó Hà Nội cần có thêm nhiều chính sách đầu tư thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các loại hình phương tiện xanh. Có như vậy, ngành vận tải hành khách công cộng mới thực sự thu hút khách và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng giao thông xanh cho Thủ đô.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.