Linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam

30/01/2024 21:50 Văn hóa
Linh vật Rồng từ xa xưa đã tồn tại trong tâm thức người Việt Nam về khí chất linh thiêng và cao quý. Dân tộc Việt luôn tự hào và kiêu hãnh với nguồn gốc sang quý của tổ tiên mình, giống Rồng Tiên. Bên cạnh đó, hình tượng Rồng cũng đã từng trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều sự biến đổi khác nhau. Tuy nhiên, linh vật Rồng Việt Nam vẫn luôn giữ cho mình một nét đẹp rất riêng biệt.

Linh vật Rồng

Rồng là một sản phẩm của truyền thuyết, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với các nước thuộc khu vực Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,... Linh vật Rồng đứng đầu trong tứ linh thiêng của trời đất: Long - Lân - Quy - Phụng. Bên cạnh đó, Rồng còn là biểu tượng của những bậc minh quân trong lịch sử, đại diện cho sức mạnh và quyền lực. Theo các quan niệm dân gian, Rồng còn đại diện cho các yếu tố siêu hình từ thiên nhiên như: Hô mưa, gọi gió, kéo mây...

Linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam
Rồng luôn được xem là đại diện cho sức mạnh và quyền lực

Mặt khác, Rồng còn được nhớ đến là loài vật có hình dáng to lớn, khỏe mạnh, luôn sẵn sàng che chở và bảo vệ cho những đối tượng nhỏ bé, yếu thế hơn. Tương truyền rằng, ở đâu có xuất hiện Rồng thì ở vùng đất đó sẽ vô cùng trù phú, may mắn và thịnh vượng. Có thể thấy, đây là những lý do chính khiến linh vật Rồng trở nên quyền lực và có sức mạnh tối thượng trong lòng người dân. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, hình tượng linh vật Rồng vẫn còn mãi vững chãi và cao quý.

Trong văn hóa các nước Á Đông nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, linh vật Rồng đóng một vai trò vô cùng quan trong với lịch sử cũng như sự phát triển của đất nước. Cụ thể, hình tượng Rồng luôn có mặt và mang nét ý nghĩa trọng đại trong các lĩnh vực văn hóa khác nhau.

Linh vật Rồng trong lịch sử Việt Nam

Rồng trong lịch sử Việt Nam, tùy theo vận nước cũng như chế độ cai trị của từng triều đại mà hình tượng Rồng cũng có cách biểu thị khác nhau. Từ thời Vua Hùng Vương, Ngài đã dạy cho con dân của mình cách xăm hình Rồng lên thân thể để các loại thủy quái không thể tấn công và gây hại. Ở các triều đại phong kiến từ thời nhà Lý, nhà Trần, triều Lê, triều Nguyễn, hình tượng Rồng có sự thể hiện không giống nhau, phần nào nói lên được bức tranh của chế độ cai trị đó.

Linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam
Rồng thời nhà Lý

Rồng là linh vật đại diện cho các bậc đế vương, những vị chân mệnh thiên tử có quyền lực và địa vị tối cao. Trong lịch sử, các đồ dùng của vua đều mang hình tượng loài Rồng sang quý. Ví dụ như: áo long bào vua mặc, long sàng giường vua nằm, long ỷ ghế vua ngồi, long ấn là ấn tín của vua dùng để biểu trưng sức mạnh và sự uy nghiêm,... Ở một số triều đại, tất cả những đồ vật có hình Rồng chỉ dành riêng cho vua chúa nhằm thể hiện quyền lực độc tôn của mình.

Lĩnh vực điêu khắc, kiến trúc

Hình tượng Rồng trong lĩnh vực điêu khắc, kiến trúc cũng liên quan mật thiết đến các yếu tố lịch sử. Cụ thể trong các triều đại phong kiến, linh vật Rồng là đại diện của chân mệnh thiên tử, những bậc minh quân có thế lực to lớn và uy quyền tối thượng. Bên cạnh những vật dụng thường ngày dùng cho nhà vua, người xưa còn sử dụng hình ảnh Rồng thiêng quyền lực để ứng dụng vào các cảnh quan kiến trúc khác nhau như lăng mộ, lăng tẩm, điện thờ, mái đình chùa chiền hay trên các cột trụ, cổng chào, cổ diêm, bậc tam cấp,...

Linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam
hình tượng Rồng trong kiến trúc Cung đình Huế

Sở dĩ hình tượng Rồng thường được sử dụng ở các khu vực linh thiêng và trang nghiêm bởi lẽ linh vật này được xem là sự đại diện của các vị thần có sức mạnh tối cao, là biểu tượng của trời đất. Mỗi thời đại sẽ có một hình tượng và tư thế biểu thị dáng Rồng khác nhau, vì thế mà chúng ta rất dễ dàng nhận thấy sự tư duy và văn hóa kiến trúc của từng thời đại trong các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc.

Nếu hình tượng Rồng có tầm quan trọng trong lĩnh vực phong thủy, tín ngưỡng thờ cúng thì trong lĩnh vực kiến trúc cũng có rất nhiều mối liên kết đặc biệt. Người ta sử dụng hình tượng oai phong và mạnh mẽ của Rồng để tạo nên các tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao, lưu danh sử sách. Rất nhiều tác phẩm điêu khắc, kiến trúc thời phong kiến còn được truyền lại cho hậu thế sau này. Nhờ vậy mà chúng ta có thể thấy rõ được sự tiến bộ và sáng tạo của lĩnh vực kiến trúc từ ngàn năm trước.

Lĩnh vực nghệ thuật

Hình tượng Rồng được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật và phong cách sống. Thời phong kiến xưa, linh vật Rồng thường được dùng để trang trí các đồ dùng cho nhà vua, thể hiện sự uy quyền và thế lực to lớn của mình. Trên các loại trang phục cung đình được phân chia rõ rệt về màu sắc cũng như họa tiết hình Rồng trang trí bên trên.

Linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam
Long bào của Vua

Ví dụ thực tế cho sự phân chia rõ ràng trong các loại trang phục của bậc đế vương đó là: Long bào - chiếc áo vua mặc khi thiết đại triều hoặc tham gia lễ hội, được thêu 9 con rồng, thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến để nổi bật hình rồng. Trong các dịp thường triều, vua sẽ mặc Hoàng bào có nạm các loại trân châu và ngọc quý. Khi vua tham gia tế giao sẽ mặc áo Long cổn màu đen, thêu hình lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu về mặt trời),...

Rồng trong lễ hội dân gian

Ngoài hình tượng Rồng trên y phục của vua, chúng ta còn thường xuyên bắt gặp hình tượng Rồng trong các loại hình văn hóa nghệ thuật cung đình. Các vị vua triều Nguyễn thường rất thích ngồi thuyền rồng thưởng thức ca múa trên sông. Khung cảnh nên thơ từ sông núi mộng mơ, hòa cùng những giai điệu âm nhạc du dương, đã tạo nên văn hóa nghệ thuật nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.

Ở những lễ hội, hình tượng con Rồng đã vượt khỏi những bức tường uy nghi của chốn Kinh thành để đem đến niềm vui phấn khởi cho nhân dân ở những trò chơi qua các hình thức như múa rồng, đua thuyền rồng,múa rối rồng…..Những con rồng sặc sỡ bay lượn trên không nhịp nhàng trên nền trống gõ liên hồi của bộ môn nghệ thuật dân gian múa rồng đã làm nên bầu không khí của lễ hội càng thêm náo nhiệt.Các điệu múa đa dạng đã thể hiện con rồng theo nhiều tư thế khác nhau,đơn giản có, phức tạp có. Nhưng dù đơn giản hay phức tạp thì cũng đòi hỏi ở người múa rất nhiều sức lực, kĩ thuật và cả kỉ luật. Múa Rồng không chỉ có ý nghĩa trong việc hân hân chào đón khách quý hay các dịp lễ hội, mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn và đề cao tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn…

Linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam
hình ảnh thuyền rồng trong giải bơi thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2023

Đua thuyền rồng là lễ hội đặc trưng truyền thống của những cư dân vùng sông nước, là một sáng tạo độc đáo của cha ông ta . Trong lễ hội này, sẽ có nhiều con thuyền rồng dài và đẹp được đem ra tranh tài trên những đoạn sông dài. Điều khiển nó là mỗi đội từ 10 đến 12 người. Hình ảnh các đội đua thuyền rồng với các màu cờ sắc ái khác nhau, tay chèo thuyền cực kì dứt khoát và nhịp nhàng, nhiệt tình cùng với sự hò reo của người cổ vũ đã tạo nên sự vui vẻ , phấn khởi , sôi động cho tất cả mọi người đến tham gia lễ hội. Đua thuyền rồng không chỉ có ý nghĩa trong việc cầu khấn và cảm tạ trời đất về mưa thuận gió hòa hay việc đi biển đánh bắt được nhiều tôm cá mà còn là dịp để những cư dân vùng sông nước rèn luyện sức khỏe, tinh thần đoàn kết và ý chi vươn lên trong công việc.

Như vậy, với lịch sử phát triển lâu đời và sự gắn bó mật thiết với nhân dân , rồng xứng đáng trở thành biểu tượng quốc gia của Việt Nam. Chỉ là một biểu tượng được hư cấu lên từ những bộ phận của nhiều con vật khác nhau nhưng nó đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình khi thể hiện được những tâm tư , tình cảm , khát vọng ,ước mơ của nhân dân, song hành một cách mạnh mẽ với nhân dân trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Nó xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực và trở thành biểu tượng của sự may mắn , thịnh vượng, tốt đẹp và cao quý.

Tuy nhiên, sự “thị trường hóa nghệ thuật “ những năn gần đây có những tác động lớn đến văn hóa. Bên cạnh đó, qua thời gian ,do những yếu tố tác động của thế giới tự nhiên và con người, có khách quan và chủ quan, những di vật về con rồng từ các triều đại trước đã bị hư hỏng, mai một và cũng thất lạc khá nhiều. Vì vậy, chúng ta cần phải có nhiều sự quan tâm và nhiều biện pháp thíết thực hơn nữa trong việc bảo vệ những di vật mang tính lịch sử nói riêng và bảo vệ cả một hình tượng con rồng trong văn hóa và tâm thức người Việt Nam nói chung, bởi vì con rồng chính là một thành tố quan trọng để hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam./.

Ngọc Nha (T/H)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động