“Ngóng” định mức chi phí tái chế, nhiều doanh nghiệp chủ động vào cuộc như một cơ hội
Định mức chi phí tái chế sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm đầu ra nên nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến chi phí mới này trong sản xuất, nhập khẩu. |
“Ngóng” định mức chi phí tái chế
Dự kiến trong tháng 1/2024, định mức chi phí tái chế đối với số loại sản phẩm, bao bì sẽ chính thức được ban hành. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra sốt ruột trước lựa chọn tự tổ chức tái chế hay là đóng Quỹ Bảo vệ môi trường.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, lộ trình các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm gồm pin, ắc quy, săm lốp, dầu nhớt, bao bì phải thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ từ 1/1/2024. Còn lộ trình đối với ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ ngày 1/1/2025. Lĩnh vực ôtô và xe máy phải thực hiện quy định tái chế từ năm 2027… Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tự tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế với định mức cụ thể có chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.
Do đó, ngay từ những ngày đầu bước vào thực hiện lộ trình đầu tiên, không chỉ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm pin, ắc quy, săm lốp, dầu nhớt, bao bì “nóng ruột” mà nhiều doanh nghiệp chưa phải thực hiện cũng “ngóng” định mức chi phí tái chế để đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo nhiều doanh nghiệp, định mức chi phí tái chế sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù đã nhìn thấy trước điều này, doanh nghiệp cũng đã chủ động nghiên cứu, hợp lý hóa quy trình sản xuất, phát huy sáng tạo và đặc biệt là tìm hiểu, liên kết với nhau để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí… Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về định mức chi phí tái chế sẽ được tính đúng, tính đủ như thế nào? có trừ đi giá các vật liệu thu hồi được không?…
Nếu tính đúng, tính đủ vật liệu thu hồi được thì định mức chi phí tái chế sẽ "dễ thở" hơn cho các doanh nghiệp |
Đó là chưa nói chi phí tái chế giữa các cơ sở hiện cũng đang có sự chênh lệch khá lớn do mức độ đầu tư công nghệ xử lý cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp phải tính toán. Vì thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ là việc làm tất yếu nhằm hướng tới một môi trường sạch hơn, an toàn hơn, đồng thời thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu không có định mức khả thi, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm và cuối cùng người tiêu dùng sẽ là đối tượng phải trả chi phí này khi mua sản phẩm.
Chủ động thực thi trách nhiệm
Ngược lại với xu hướng chung của các doanh nghiệp hiện nay là chờ các quy định về định mức chi phí tái chế chính thức được ban hành trước khi thực hiện trách nhiệm tái chế, nhiều doanh nghiệp lớn như Coca-Cola Việt Nam, Suntory PepsiCo Việt Nam, Universal Robina Corporation, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Tetra Pak, TH True milk… đã chủ động thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình.
Tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam Jahanzeb Khan cam kết PepsiCo Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ tác động của bao bì đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm. |
Động thái đầu tiên phải kể đến là sự kiện “ông lớn” Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam ký biên bản hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Nhựa tái chế DUYTAN về việc cung cấp nhựa tái sinh để sản xuất bao bì cho các sản phẩm của Suntory PepsiCo giai đoạn 2022 - 2026.
Tiếp đó, Công ty TNHH La Vie (Tập đoàn Nestlé) ký kết với Công ty cổ phần Nhựa tái chế DUYTAN cùng chung tay thực hiện thu gom, tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa, áp dụng cho các sản phẩm chai La Vie có dung tích đến 19L trong thời gian 5 năm.
Gần đây nhất, Friesland Campina Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty Cơ khí xây dựng Trường Thịnh nhằm mục tiêu nâng cao năng lực thu gom, tái chế bao bì.
Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) cũng đã “bắt tay” với Công ty cổ phần VietCycle để thu gom và Công ty cổ phần Nhựa tái chế DUYTAN để thực hiện việc tái chế, thúc đẩy tuần hoàn nhựa - cơ chế chuẩn bị cho việc thực hiện quy định về tái chế.
Thanh Hải