Quy định về quản lý mặt hàng hóa chất Dinito monoxit
Tương lai của ngành hóa chất: xu hướng Hóa học xanh |
Các bình khí cười (N2O) bị thu giữ tại Hải Phòng. |
Theo Cục Hóa chất, Luật Hóa chất quy định, hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh là hóa chất nguy hiểm được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật, an toàn, loại hình, quy mô. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các bộ ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất, trong đó Bộ Y tế quản lý các hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế; Bộ Công Thương quản lý hóa chất sử dụng trong công nghiệp, hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.
Việc quản lý các hóa chất hạn chế nói chung, cụ thể là hóa chất Dinito monoxit (công thức hóa học N2O) thuộc Phụ lục II Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất. Các quy định về quản lý hóa chất hạn chế tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Còn quy định về Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ và Thông tư số 05/2018/TT-BYT ngày 5/4/2018 của Bộ Y tế là áp dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Việc phân công trách nhiệm của các bộ ngành trong quản lý hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh nói chung và mặt hàng hóa chất Dinito monoxit nói riêng là rõ ràng, không chồng chéo, đảm bảo mục tiêu kiểm soát của cơ quan nhà nước nhưng không gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Tùy vào mục đích khai báo, sử dụng mà tổ chức, cá nhân lựa chọn áp dụng các quy định pháp luật tương ứng để thực hiện.
Theo Cục Hóa chất, để quản lý các hóa chất hạn chế theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, Cục Hóa chất có Công văn số 1099/HC-CNHC trả lời Công văn số 6836/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc yêu cầu tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh phải xuất trình Giấy phép sản xuất, kinh doanh. Theo Cục Hóa chất, đây là văn bản tình thế và quy định này sẽ được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2017/NĐ-CP trong thời gian tới. Nghị định số 113/2017/NĐ-CP không quy định việc nhập khẩu hóa chất hạn chế thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phải xuất trình giấy phép.
Để thực hiện tốt công tác quản lý hóa chất, thống kê được số liệu các hóa chất nhập khẩu về Việt Nam, Cục Hóa chất cũng đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp phản hồi đến hệ thống của Bộ Công Thương các thông tin về các lô hàng hóa chất nhập khẩu ngay sau khi tờ khai hải quan ở trạng thái được thông quan theo Điều 8 Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.