Rác thải điện tử toàn cầu tăng nhanh đáng báo động

26/03/2024 15:09 Tác động môi trường
Rác thải điện tử không chỉ là vấn đề môi trường mà còn tác động đến khí hậu. Rác thải điện tử gồm những sản phẩm bị vứt bỏ có phích cắm hoặc pin, thường chứa các chất độc hại và nguy hiểm, như thủy ngân và chì.

Theo báo cáo Giám sát Rác thải Điện tử Toàn cầu (GEM) 2024 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên Hiệp Quốc (UNITAR) công bố, thế giới hiện tạo ra khoảng 2,6 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm. Lượng rác thải điện tử toàn cầu năm 2022 đã tăng 82% so với năm 2010 và đang trên đà tăng thêm 32%, lên 82 triệu tấn vào năm 2030, một mức độ gia tăng đáng báo động.

Điều đáng lo ngại hơn là nỗ lực tái chế hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong tổng lượng rác thải điện tử được tạo ra. Ước tính có tới 5 lần lượng rác thải được tạo ra so với lượng được tái chế thông qua các quy trình chính thức.

Rác thải điện tử toàn cầu tăng nhanh đáng báo động
ảnh minh họa

Việc quản lý và xử lý rác thải điện tử đúng cách sẽ giúp giảm ô nhiễm carbon toàn cầu. Xử lý và tái chế rác thải điện tử đúng cách mang lại lợi ích về môi trường như giảm khí nhà kính và thu hồi vật liệu quý giá như vàng, đồng và sắt, nhưng quá trình chiết xuất lại là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng và rất tốn kém.

Hiện tại, hầu hết rác thải điện tử đều được đưa đến bãi chôn lấp hoặc được xử lý bởi hệ thống tái chế không chính thức, đe dọa gây ô nhiễm và tác động tiêu cực đến sức khỏe. Không chỉ là vấn đề môi trường, rác thải điện tử còn tác động đến khí hậu. Việc sản xuất thiết bị điện tử đòi hỏi nguyên liệu thô, bao gồm kim loại đất hiếm, được phân tách và xử lý theo quy trình tốn nhiều năng lượng, chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch. Khi nhu cầu tăng lên và người tiêu dùng được khuyến kích thay đổi thiết bị thường xuyên hơn, tác động của rác thải điện tử đến khí hậu cũng ngày một lớn.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước tính chi phí kinh tế ròng hằng năm do rác thải điện tử gây ra lên tới 37 tỉ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 40 tỉ USD vào cuối thập kỷ nếu ngành công nghiệp này không cải thiện đáng kể việc quản lý và chính sách.

Báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về mặt địa lý trong vấn đề rác thải điện tử. Theo đó, châu Âu hiện dẫn đầu với tỷ lệ tái chế 42,8%, một con số tương đối tích cực nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để cải thiện. Trong khi đó, châu Phi tụt hậu xa hơn với tỷ lệ tái chế chỉ 0,7%.

Với tình trạng ngày càng tồi tệ, báo cáo Giám sát Rác thải Điện tử Toàn cầu (GEM) 2024 kêu gọi hành động khẩn cấp để cải thiện quy trình và hệ thống tái chế hiện tại trên toàn cầu. Mục tiêu hướng đến là giải quyết vấn đề rác thải điện tử gia tăng và thúc đẩy ngành công nghiệp này đạt được những bước tiến đáng kể về tính bền vững.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động