Thoả thuận Paris và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam
1. Giới thiệu sơ lược về thoả thuận Paris
Đây là kết quả quan trọng sau hơn 20 năm nỗ lực đàm phán của cộng đồng thế giới. Thoả thuận Paris đã ra cơ sở pháp lý toàn cầu để các quốc gia trên thế giới xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp, thúc đẩy tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để hướng đến mô hình tăng trưởng phát thải ít các-bon ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.
Thoả thuận Paris về Khí hậu bao gồm 29 Điều, tập trung vào giải quyết toàn diện các nội dung của Công ước khí hậu, áp dụng cho tất cả các quốc gia từ năm 2020. Nội dung Thoả thuận đã giải quyết cơ bản được sự khác biệt về mức độ trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển và được xây dựng trên một nền tảng các quốc gia cùng cam kết liên tục thực hiện với nỗ lực cao nhất trong những năm tới.
Thoả thuậnđề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2oC vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp; đồng thời khuyến khích các quốc gia làm nhiều hơn nữa để có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5oC.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính,trước hết phần dự kiến giảm nhẹ do quốc gia tự thực hiện trong báo cáo iNDC sẽ tự động trở thành cam kết giảm nhẹ phát thải của quốc gia (Việt Nam đã cam kết giảm 8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường). Cam kết này sẽ được cộng đồng quốc tế xem xét và có thể yêu cầu điều chỉnh vào năm 2018. Mức phát thải và kết quả đạt được trong việc thực hiện iNDC sẽ được đánh giá quốc tế năm năm một lần, lần đầu tiên là năm 2023. Thoả thuận cũng mở đường cho các Bên tham gia vào kinh doanh tín chỉ phát thải quốc tế nhằm tránh tính toán kép các tín chỉ phát thải được tạo ra, đồng thời kêu gọi việc hình thành một cơ chế mới, tương tự như Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto, cho phép mức giảm phát thải của một quốc gia có thể được tính vào NDC của quốc gia khác.
Về tài chính, Thoả thuận tái khẳng định các nghĩa vụ mang tính ràng buộc pháp lý của các nước phát triển trong khuôn khổ Công ước khí hậu đóng góp để thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển có thể tham gia đóng góp theo hình thức tự nguyện. Thoả thuận cũng yêu cầu tất cả các nước xem xét lại các định chế tài chính và điều chỉnh các nguồn hỗ trợ tài chính và ODA của mình theo hướng thúc đẩy các nỗ lực để thực hiện các nội dung của Thoả thuận.
Về công nghệ, Thoả thuận tái khẳng định các cơ chế chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó khuyến khích hợp tác song phương, đa phương, khu vực, Bắc – Nam, Nam – Nam để thúc đẩy thực hiện các nội dung của Thoả thuận. Các cơ chế công nghệ của Công ước khí hậu tiếp tục được sử dụng cho các hoạt động trong khuôn khổ Thoả thuận Paris về Khí hậu.
Về xây dựng năng lực, Thoả thuận khẳng định cần củng cố năng lực và khả năng của các Bên quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương đối với tác động xấu của biến đổi khí hậu để triển khai hiệu quả các hành động giảm nhẹ và thích ứng, và cần tạo thuận lợi cho phát triển, phổ biến và áp dụng công nghệ, tiếp cận đến tài chính khí hậu, các khía cạnh phù hợp về giáo dục, đào tạo và nhận thức cộng đồng, và trao đổi thông tin minh bạch, kịp thời và chính xác.
Để tạo lòng tin giữa các quốc gia, Thoả thuận đã lập ra khuôn khổ tăng cường minh bạch về hành động và về hỗ trợ. Mục đích của khuôn khổ minh bạch về hành động là để làm rõ và theo dõi tiến độ hướng tới hoàn thành đóng góp do quốc gia tự quyết định của các Bên. Mục đích của khuôn khổ minh bạch về hỗ trợ là để làm rõ việc trao và nhận hỗ trợ của mỗi Bên liên quan. Để thực hiện, Thoả thuận yêu cầu các Bên phải thường xuyên cung cấp thông tin về kiểm kê khí nhà kính, tiến độ triển khai và kết quả đạt được trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định. Các Bên quốc gia phát triển phải cung cấp thông tin về hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các Bên quốc gia đang phát triển. Các Bên quốc gia đang phát triển cần cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ và hỗ trợ đã nhận được về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực. Đồng thời cũng yêu cầu các hoạt động thực hiện khuôn khổ minh bạch tại các quốc gia đang phát triển phải được hỗ trợ về tài chính và xây dựng năng lực thực hiện.
Về giám sát thực hiện, Thoả thuận quy định phải định kỳ đánh giá nỗ lực toàn cầu 5 năm một lần và lần đầu tiên vào năm 2023 nhằm cung cấp thông tin và thúc đẩy việc thực hiện Thoả thuận của mỗi Bên và của toàn cầu. Cơ quan giám sát cao nhất việc thực hiện là Hội nghị các Bên được tổ chức họp định kỳ mỗi năm một lần, trùng với các cuộc họp các Bên tham gia Công ước khí hậu. Hỗ trợ Hội nghị các Bên có Ban thư ký, Ban bổ trợ thực hiện, Ban Bổ trợ về Khoa học và Công nghệ và các tổ chức, có chế đã có trong khuôn khổ Công ước khí hậu.
2. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Mặc dù Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ sau năm 2020, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng ngay từ bây giờ Thỏa thuận Paris đã và đang mở ra những cơ hội to lớn, bao gồm:
Một là, thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gắn với xây dựng văn hóa các-bon thấp và hài hoà với môi trường, khí hậu; góp phần giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia là hệ quả của những căng thẳng, thậm chí là xung đột do biến đổi khí hậu gây ra.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp trên phạm vi toàn cầu, cũng như tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để đạt được kỳ vọng cao là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng ở 1,5oC.
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về năng lượng sạch, giảm đầu tư vào những dự án phát thải lớn, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực huy động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phát triển cơ chế thị trường, trong đó có định giá các-bon, trao đổi tín chỉ các- bon sẽ được thiết lập với cơ chế đầu tư và thanh toán theo kết quả và sản phẩm.
Năm là, thúc đẩy đầu tư vào ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội bền vững bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tham gia tích cực và xây dựng của các thành phần trong xã hội.
Sáu là, tăng cường sức chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tạo cơ chế để các bên đề xuất kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu về nguồn lực để triển khai thực hiện.
Thứ nhất, khó có thể thay đổi ngay nhận thức, thói quen với mô hình phát triển dựa vào năng lượng các-bon đen, giá thành phù hợp đã ăn sâu, bám rễ trong một thời gian dài để chuyển sang phát triển dựa vào năng lượng sạch, chi phí và giá thành cao hơn trong khi nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và tài chính còn khó khăn, thiếu hụt và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế để triển khai thực hiện Thỏa thuận.
Thứ hai, chưa có cơ chế ràng buộc pháp lý đối với cam kết về đóng góp tài chính, do đó chưa có gì đảm bảo thực hiện thành công cam kết huy động mỗi năm 100 tỷ USD kể từ năm 2020 trở đi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ xanh miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
Thứ ba, sẽ hình thành những rào cản trên thị trường quốc tế do những quy định và yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn các-bon trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với các loại sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải các-bon lớn.
Thứ tư, yêu cầu phải đổi mới rất cơ bản về thể chế, chính sách cho phù hợp với những quy định quốc tế, đặc biệt là các cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự minh bạch trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, biến đổi khí hậu sẽ vẫn diễn ra phức tạp, khó lường do những cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện Thoả thuận chưa đủ để đảm bảo mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới mức 2oC.
Đặc biệt, trong tương lai gần, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp và chăn nuôi. Vì vậy, một mặt chúng ta sẽ cần nhiều nguồn lực hơn cho thích ứng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong khi vẫn phải nỗ lực đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, phải tăng cường đầu tư vào cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, thực hiện nghĩa vụ của một Bên tham gia Thoả thuận, Việt Nam phải thay đổi cách thức tiến hành kiểm kê khí nhà kính cũng như chế độ báo cáo, chuyển từ những mục tiêu tương đối sang các mục tiêu định lượng rõ ràng và tiêu chuẩn cao hơn. Điều đó cũng sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nguồn lực. Đây là thách thức rất lớn đối với nước ta.