Thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất, tiêu dùng bền vững

23/09/2024 09:05 Tăng trưởng xanh
Nhằm đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình năm 2025 và những năm tiếp theo của Bộ Công Thương; đồng thời phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng; Ngày 19/09, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Hội nghị quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững năm 2024”.
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, Sở Công thương các tỉnh, thành phố; đại diện các Trung tâm khuyến công, Tư vấn Phát triển công nghiệp, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng; sinh viên một số Trường Đại học, Cao đẳng tại Huế và Đà Nẵng; các đối tác phát triển, nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Thông qua Hội nghị, Bộ Công Thương mong muốn các đơn vị sẽ nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng nhau thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ các hoạt động này từ trung ương đến địa phương. Hội nghị cũng là nơi để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn cũng như những thuận lợi để cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng, hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.

Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định “Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững".

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bên cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây là Chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liêu. Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

“Các Chương trình, chỉ thị, nghị quyết nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vài trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trong hành trình phát triển kinh tế xã hội, Đà Nẵng luôn xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững là những yếu tố then chốt. Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, cùng với Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

“Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và hỗ trợ kịp thời từ Bộ Công Thương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Điều này giúp thành phố thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nguyễn Văn Trừ nói.

Tại Hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cũng như tìm ra các giải pháp cho những thách thức sắp tới.
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cũng như tìm ra các giải pháp cho những thách thức sắp tới.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE) được thực hiện bởi GGGI – một tổ chức liên Chính phủ được thành lập nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn cầu.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”.

Cuộc thi nhằm hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng tại Việt Nam, với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên.

Cuộc thi được tổ chức cho hai nhóm đối tượng, nhóm thứ nhất dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ giai đoạn tiền hạt giống đến giai đoạn hạt giống đã đăng ký tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đã có kế hoạch hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có sản phẩm thử nghiệm tập trung vào các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải.

Nhóm thứ hai được thiết kế riêng cho nhóm các học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 15 đến 25, có ý tưởng về các giải pháp hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.

Các đội thi có kết quả tốt nhất sẽ được lựa chọn tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo trong vòng 9 tuần, với sự dẫn dắt của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và năng lượng.

Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 35.000 USD cho các nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh sinh viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đội thi có cơ hội tham gia các hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế, bao gồm khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ quỹ Touchstone Partners và các khoản đầu tư tiềm năng từ các quỹ đầu tư đối tác.

Lê Tới - Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động