Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và xu hướng thương mại tạo sự phát triển bền vững trong chuỗi giá trị xanh

04/08/2023 18:30 Nghiên cứu, trao đổi
Trong bối cảnh hội nhập, cùng với những biến động khó lường về kinh tế, chính trị, xã hội và dịch bệnh đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại các vấn đề trong hoạt động sản xuất và thương mại để hướng tới phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và xã hội. Xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, chuỗi giá trị xanh, thương mại xanh đang được đề cao, chính vì vậy các hiệp định thương mại tự do (AFTA, EVFTA, CPTPP,…) đã đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nhằm đóng góp cho phát triển bền vững. Tại Việt Nam, CSR chưa được thể hiện đúng với bản chất, từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức rõ CSR, hiểu liên hệ giữa CSR đến sản xuất - thương mại và phát triển bền vững. Tác giả bài viết sẽ tổng hợp và đưa ra một số quan điểm về trách nhiệm xã hội, cũng như mối quan hệ giữa CSR, logistis xanh và chuỗi giá trị xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

1. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuỗi giá trị xanh

1.1. Một số quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Cho đến nay đã có khá nhiều định nghĩa về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Coporate Social Responsibility - CSR), khởi đầu là định nghĩa của McGuire (1963). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là nói tới một doanh nghiệp không chỉ có nghĩa vụ về mặt kinh tế và chấp hành luật pháp, mà còn phải có những trách nhiệm nhất định khác đối với các đối tượng hữu quan (người lao động, khách hàng, Chính phủ, chủ sở hữu, cộng đồng xã hội,..).

Theo quan điểm của Friedman (1970). “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp được thể hiện qua việc sử dụng các nguồn lực trong hoạt động kinh doanh để gia tăng lợi nhuận, nhưng miễn là doanh nghiệp đó thực hiện đúng luật, đúng nghĩa vụ pháp lý quy định, có trách nhiệm tuân thủ các Bộ luật quy đinh liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận”. Với quan điểm này, Friedman nhấn mạnh trách nhiệm về pháp lý mà các doanh nghiệp chỉ cần phải nghiêm chỉnh tuân thủ đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp kinh doanh đúng luật.

Quan điểm của Davis (1973); “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp bao gồm không chỉ có sự đáp ứng và kết hợp tất cả các nhu cầu, yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và luật pháp, mà còn cần phải đạt được các mục tiêu xã hội cũng tốt như các mục tiêu kinh tế với mức độ cao hơn”. Davis đã có điểm nhấn yêu cầu về CSR với mức cao hơnso với Friedman là ngoài việc doanh nghiệp phải thực hiện đúng pháp luật còn phải đạt đến các hiệu quả và lợi ích mang tính xã hội, hiệu quả xã hội.

Quan điểm của tổ chức Ngân hàng Thế giới CSR là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội- bảo đảm cân bằng lợi ích các bên”.

Quan điểm của Carroll (1991), Ông đưa ra “Doanh nghiệp như là một cơ thể sống, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là thực hiện gánh vác các nghĩa vụ: nghĩa vụ kinh tế, pháp lý, đạo đức và nghĩa vụ nhân văn mà các bên liên quan đã áp đặt hay mong đợi, kỳ vọng lên các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Carroll đã khái quát hoá các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua thực hiện bốn nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải có bổn phận gáng vác, các nghĩa vụ được đưa ra từ cấp độ thấp mang bắt buộc đến cấp độ cao mang tính tự nguyện, thiện nguyện nhân văn. Bốn nghĩa vụ như sau: 1) Trách nhiệm/nghĩa vụ kinh tế (economic responsibility): Là nghĩa vụ đầu tiên doanh nghiệp có nghĩa vụ tạo ra lợi nhuận để tồn tại và phát triển, sản xuất và cung cấp ra sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng đúng với chi phí và sự mong đợi của họ, đảm bỏa lợi ích kinh tế một cách hài hòa cho các bên, tránh gây tổn thất kinh tế cho các bên; 2) Trách nhiệm/nghĩa vụ luật pháp (legal responsibility): Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ theo đúng các điều luật, luật pháp của một quốc gia, nội dung quy định trong các hiệp định của một hiệp hội và luật quốc tế đã quy định. Doanh nghiệp không được phép vi phạm; 3) Trách nhiệm/nghĩa vụ đạo đức (ethical responsibility): Vượt trên các nghĩa vụ bắt buộc là kinh tế và pháp lý, thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các kỳ vọng khác với mức độ cao hơn của người tiêu dùng, của xã hội, đó là những điều không được ghi trong luật, như tôn trọng quyền con người, khía cạnh đạo đức của doanh nghiệp được thể hiện thông qua các thực hiện các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, giá trị đạo đức được cộng đồng tôn trọng; 4) Trách nhiệm/nghĩa vụ nhân đạo/nhân văn: Đây là khía cạnh cao nhất, thể hiện sự hy sinh muốn đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của toàn xã hội, khía cạnh này được điều chỉnh bởi lương tâm. Sự mong muốn đóng góp sự phát triển chung có thể trên các phương diện: nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, san sẻ gánh nặng với chính phủ.

Trên cơ sở tổng hợp các quan điểm về CSR, tác giả đưa ra quan điểm “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn với tất cả các bên hữu quan cả hiện tại và tương lai nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho tất cả các bên hữu quan. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tăng những tác động tích cực và giảm những tác động tích cực đến các đối tượng hữu quan hướng tới sự phát triển bền vững”

Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và xu hướng thương mại tạo sự phát triển bền vững trong chuỗi giá trị xanh

1.2. Phát triển bền vững

1.2.1. Một số quan điểm về Phát triển bền vững

Thuật ngữ "Phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".

Khái niệm Phát triển bền vững được phổ biến rộng rãi vào năm1987 nhờ Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (Ủy ban Brundtland). Báo cáo ghi rõ: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...", phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải cùng nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực Kinh tế - Môi trường - Xã hội.

Theo Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB): "Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai".

1.2.2. Mục tiêu Phát triển Bền Vững

Mục tiêu của Phát triển Bền Vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, đảm bảo với ba trụ cột của phát triển bền vững.

Theo quan điểm của UNESCO, điểm tối ưu cho sự phát triển của con người cần hướng tới là điểm giao thoa giữa ba mục tiêu riêng lẻ, ba trụ cột

Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và xu hướng thương mại tạo sự phát triển bền vững trong chuỗi giá trị xanh

So sánh một số tiêu chí gữa phát triển truyền thống và mục tiêu phát triển bền vững

TT

Tiêu chí

Từ phát triển

Đến phát triển bền vững

Trụ cột

Kinh tế (xã hội)

Hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường

Trung tâm

Của cải vật chất/hàng hóa

Con người

Điều kiện cơ bản

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên con người

Chủ thể quản lý

Một chủ thể (nhà nước)

Nhiều chủ thể

Quan hệ với tự nhiên

Khai thác/cải tạo tự nhiên

Bảo tồn/sử dụng hợp lý tự nhiên

Nam quyền

Bình đẳng nam, nữ

Tính chất

Kinh tế truyền thống

Kinh tế tri thức

Cách tiếp cận

Đơn ngành/liên ngành thấp

Liên ngành cao

Bảng 1: So sánh giữa phát triển và phát triển bền vững

Đến nay có 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) mới đầy tham vọng được đề xuất, từ xoá bỏ nghèo đói, đến tăng trưởng và phát triển công bằng, bền vững; bảo vệ môi trường và thúc đẩy xã hội hoà bình và dành cho tất cả mọi người. Cùng với sự lãnh đạo chính phủ, Việt Nam và các quốc gia sẽ cần có mối quan hệ đối tác rộng rãi và bao trùm hơn với xã hội dân sự và khu vực tư nhân để có thể đạt được SDGs.

1.3. Chuỗi cung ứng giá trị xanh

Trong một nền kinh tế ngày càng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng những nền kinh tế xanh thì chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain) cũng là một hướng phát triển của doanh nghiệp, giúp tạo vị thế cạnh tranh và có một thương hiệu thân thiện với môi trường.

Hiểu một cách đơn giản thì chuỗi cung ứng xanh là chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả mà vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường, với con người và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh thái tự nhiên. Quản lý chuỗi cung ứng xanh là sự kết hợp yếu tố môi trường vào quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm thiết kế sản phẩm, tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng và quản lý cuối đời sản phẩm sau khi sử dụng nó. Quản lý chuỗi cung ứng xanh liên quan đến thực tiễn quản lý chuỗi cung ứng truyền thống tích hợp các tiêu chuẩn môi trường hoặc mối quan tâm vào các quyết định mua sắm có tổ chức và những mối quan hệ dài hạn với các nhà cung ứng. Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics đầu vào và đầu ra xanh, quản lý chất thải, sản xuất xanh…

Khi tham gia chuỗi giá trị xanh sẽ có một số lợi ích như sau:

- Đối với doanh nghiệp: Tăng uy tín, thương hiệu trên thị trường, thuân thủ được các quy định về trách nhiệm xã hội, tăng cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính đòi hỏi mức tuân thủ CSR cao như: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu…

- Đối với môi trường: Chuỗi cung ứng giá trị xanh giúp giảm lãng phí, giảm chất thải, giảm áp lực lên môi trường.

- Đối với nền kinh tế: Chuỗi giá trị xanh giúp cải thiện quy trình sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tạo ra lợi thế cạnh tranh, tăng tính linh hoạt cũng như mối liên kết với các đối tác.

- Đối với xã hội: Giúp bảo vệ được sức khỏe con người, giảm những tác động xấu từ chất thải công nghiệp, giảm được những tác động xấu lên cộng đồng và thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp.

2. Xu hướng gia tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong logistics góp phần phát triển bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh

2.1. Hoạt động logistics trong chuỗi tạo giá trị

Quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không thể thiếu hoạt động Logistic, Logistic là thuật ngữ chuyên ngành có gốc Hy Lạp và từ tiếng Việt có nghĩa gần nhất là “hậu cần”. Hiểu đơn giản nhất, Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.

Điều 233 Luật Thương mại 2005: “ Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng; vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác; tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu; giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất nào cũng phải quan tâm và có chiến lược Logistic phù hợp. Một chiến lược Logistic tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc hiệu quả. Ngày nay, Logistics cũng là một trong những điểm mạnh, giúp phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và xu hướng thương mại tạo sự phát triển bền vững trong chuỗi giá trị xanh

Quy trình dịch vụ và các hoạt động của Logistics cơ bản bao gồm:

Khi tìm hiểu về Logistics, sẽ dễ dàng bắt gặp những từ như các loại hình cung cấp dịch vụ Logistics: 1PL, 2PL, 3PL, 4PL, 5PL là viết tắt của Party, tức những bên liên quan và hình thức Logistics cũng sẽ được chia theo số lượng bên liên quan.

1 PL Logistics – First Party Logistics: Doanh nghiệp sản xuất sẽ tự chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động lưu trữ, vận chuyển từ đầu vào tới đầu ra là người tiêu thụ cuối cùng.

2 PL Logistics – Second Party Logistics: Doanh nghiệp vừa thực hiện quản lý Logistics vừa thuê ngoài dịch vụ Logistics cho một hoạt động trong chuỗi hoạt động Logistics. Như vậy, sẽ có 2 bên liên quan.

3PL Logistics- Third Party Logistics: Doanh nghiệp chủ động thuê ngoài dịch vụ Logistics chuyên biệt quản lý và thực hiện một vài hoặc mọi hoạt động của Logistics.

4PL Logistics – Fourth Party Logistics: Doanh nghiệp thuê dịch vụ Logistics lo tất cả mọi thứ từ đầu ra tới phân phối, quản lý và điều hành các bên liên quan để tạo thành chuỗi Logistics hiệu quả.

5PL (Fifth party logistics provider nhà cung cấp giải pháp cho chuỗi Logistics ,Supply Chain)

Loại hình dịch vụ logistics không cần có cơ sở vật chất như xe cộ, kho bãi, xe nâng; tàu biển, không có lái xe hay thủ kho. Chức năng chính của 5PL là cung cấp dịch vụ thông qua việc liên kết các nhà cung cấp dịch vụ khác và mạng lưới khách hàng; tìm kiếm, so sánh và lựa chọn các báo giá, kiểm tra; giám sát đường đi của hàng hóa, tư vấn; đào tạo để khách hàng tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Logistics 5PL cũng được nói đến là loại hình Logistics thông minh, dựa trên phương tiện điện tử, công nghệ thông tin để điều phối mạng cung ứng (chứ không phải chỉ là chuỗi cung ứng) và đáp ứng những nhu cầu khác biệt của từng khách hàng. Áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Quản lý Logistics

Chuỗi dịch vụ logistics chủ yếu bao gồm những gì?

Ngày nay, logistics nắm một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, chuỗi dịch vụ logistics chủ yếu bao gồm các dịch vụ sau: 1) Dịch vụ bốc xếp hàng hóa (bao gồm cả hoạt động bốc xếp container); 2) Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa (bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị); 3) Dịch vụ đại lý vận tải (bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa); 4) Các dịch vụ bỗ trợ khác, bao gồm: hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics. Hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó, hoạt động cho thuê và thuê mua container.

Ngoài các dịch vụ logistics chủ yếu trên, còn có các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm: 1) Dịch vụ vận tải hàng hải; 2) Dịch vụ vận tải thủy nội địa; 3) Dịch vụ vận tải hàng không; 4) Dịch vụ vận tải đường sắt; 5) Dịch vụ vận tải đường bộ; 6) Dịch vụ vận tải đường ống.

Đặc điểm của ngành dịch vụ logistics

Logistics là tổng hợp các hoạt động của doanh nghiệp dựa trên 3 khía cạnh chính, bao gồm: logistics sinh tồn, logistics hoạt động và logistics hệ thống.

- Logistics sinh tồn có liên quan đến các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Nó xuất phát từ chính bản năng sinh tồn của con người, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con người như: cần gì, cần bao nhiêu, khi nào cần và cần ở đâu. Chính bởi những đặc tính này mà logistics sinh tồn đã trở thành bản chất và nền tảng của hoạt động logistics nói chung.

- Logistics hoạt động là bước phát triển mới của logistics sinh tồn và gắn với toàn bộ quá trình và hệ thống sản xuất các sản phẩm của doanh nghiệp. Logistics hoạt động sẽ liên quan đến quá trình vận động và lưu kho của nguyên liệu đầu vào, vào trong, đi qua và đi ra khỏi doanh nghiệp, thâm nhập vào các kênh phân phối trước khi đi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

- Logistics hệ thống sẽ giúp ích cho việc duy trì hệ thống hoạt động. Các yếu tố của logistics hệ thống bao gồm các máy móc thiết bị, nguồn nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng nhà xưởng.

2.2. Xu hướng gia tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại và hoạt động Logictics

Ngày nay trong các hiệp định thương mại thế hệ mới FTAs đã và đang đề cặp nhiều nội dung liên quan đến CSR, như trong CPTPP với yêu cầu cao hơn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp vì lợi ích của các bên hữu quan như: môi trường, người lao động, sự phát triển bền vững. Trong đó, CSR của doanh nghiệp phải thể hiện cụ thể các yêu cầu bắt buộc, các nghĩa vụ mang tính Kinh tế, Pháp lý, Đạo đức, Nhân văn, CSR trong CPTPP nhấn mạnh trên sáu mặt: 1) Bảo vệ môi trường; 2) Đóng góp cho cộng đồng xã hội; 3) Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; 4) Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; 5) Quan hệ tốt với người lao động; 6) Đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong hầu hết trong các hiệp định thương mại thế hệ mới FTAs đều có nội dung đề cao vấn đề liên quan đến CSR của doanh nghiệp trong kinh doanh, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải tuân thủ thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, thể hiện rõ nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của mỗi quốc gia hay mỗi tổ chức doanh nghiệp khi tham gia Hiệp định để hội nhập. Doanh nghiệp cần thực hiện CSR theo quy định trong kinh doanh thương mại, logistics sẽ góp phần đem lại những lợi ích cho doanh nghiệp: 1) Thực hiện CSR là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp khi tham gia hội nhập; 2) Thực hiện CSR là giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp khi tham gia hội nhập.

Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và xu hướng thương mại tạo sự phát triển bền vững trong chuỗi giá trị xanh

2.3. Logistics xanh, mắt xích quan trọng cho sự phát triển bền vững và chuỗi giá trị xanh

Trong chiến lược phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, một trong những yếu tố quan trọng là xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Với các doanh nghiệp, việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng được xem như một phần trong chiến lược đầu tư xanh, giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên, thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

Để hình thành một chuỗi cung ứng xanh phải trải qua nhiều giai đoạn và logistics xanh là một trong số đó. Cụ thể, để xây dựng chuỗi cung ứng xanh, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ việc tìm nguồn cung ứng, lựa chọn hợp tác với các nhà cung cấp nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đưa ra các thiết kế xanh và “xanh hóa” sản xuất với đồng bộ các giải pháp như sử dụng năng lượng sạch, sản xuất tiết kiệm năng lượng, tái chế chất thải… đồng thời sử dụng bao bì xanh và cải tiến xanh trong quản lý, vận hành kho. Logistics xanh là giai đoạn tiếp theo, khi doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống vận tải xanh để đưa các sản phẩm xanh đến tay người tiêu dùng.

Đa dạng các giải pháp “xanh hóa” logistics đóng góp chuỗi giá trị xanh thể hiện trách nhiệm xã hội với môi trường gồm: 1)Vận tải xanh: sử dụng các phương tiện vận tải tạo ra lượng khí thải thấp hơn như xe điện sử dụng năng lượng sạch, vận tải đường thủy…;2) Bao bì xanh: sử dụng các bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng, bao bì dùng vật liệu có thể phân hủy và phân hủy sinh học…;3) Kho bãi xanh: kho bãi sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả, thiết kế công trình bền vững…;4) Quản lý dữ liệu logistics xanh: ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu hiệu quả, nâng cao hiệu quả logistics, giảm tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận…;5) Logistics ngược: tăng cường tái sử dụng các sản phẩm, bao bì, vật liệu; tái sản xuất và tân trang…

3. Một số thực trạng và phải pháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và cung ứng sản phẩm

3.1. Một số vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam

Hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng và ích lợi của việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã chủ động đăng ký thực hiện trách nhiệm xã hội dưới dạng các cam kết nhằm đóng góp đối với xã hội trong việc bảo vệ môi trường, với cộng đồng địa phương, Chính phủ, người tiêu dùng và với người lao động nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội. Các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được rằng, nếu thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình sẽ đạt được một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ Qui tắc ứng xử (Code of Conduct - CoC) sẽ đem lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thì các đối tượng hữu quan là người tiêu dùng, nhà đầu tư, chính phủ, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng xã hội và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu ngày càng quan tâm hơn tới việc thực thi CSR liên quan đến quyền của người lao động, môi trường và phúc lợi cộng đồng... Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ điều đó nên rấtchủ động thực hiện CSR trong các hoạt động kinh doanh thương mại, luôn gắn vấn đề CSR trong chiên lược kinh doanh và quảng bá hình ảnh của mình, từ đó đã tạo được hình ảnh tốt đối với công chúng, xây dựng được lòng tin đối với khách hàng và xã hội qua việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, đảm bỏa lợi ích cho khách hàng và xã hội, thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưcác tập đoàn Mai Linh, Tân Tạo, DuyLợi, KinhĐô, Vinamilk, Unilever Viet nam, Nguyễn Kim, Hải Hà, Honda Viet Nam....

Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và xu hướng thương mại tạo sự phát triển bền vững trong chuỗi giá trị xanh

Tuy nhiên, còn khá nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện một cách nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình, hiện tượng gian lận, không trung thực trong kinh doanh thương mại: nhập hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, nguồn gốc không rõ ràng, quảng cáo khuếch trương quá sự thật là khá phổ biến, công bố sai hoặc không minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, tính năng công dụng, nhiều sản phẩm dịch vụ đưa thông tin trên bao bì sản phẩm sai lệch so với giá trị thực tế của sản phẩm.

Riêng đối với mặt hàng Thủy sản, tại bốn thị trường lớn EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản. Việt Nam đứng đầu trong số các nước xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trong giai đoạn 2002 đến 2010 với lần lượt khoảng 160 và 380 vụ. Tại thị trường Nhật Bản, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cũng đứng đầu các nước xuất khẩu về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản, khoảng hơn 120 vụ. Thị trường Úc, Việt Nam đứng thứ 4, sau Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc về số vụ thủy sản bị trả về, gần 350 vụ. Nghiên cứu nguyên nhân từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, chủ yếu là vi phạm trách nhiệm xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc thú y và các chất gây ô nhiễm khác, sản phẩm thủy sản nhiễm khuẩn…, mà còn do doanh nghiệp chưa hiểu đúng, hiểu đủ những yêu cầu, quy định liên quan đến đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm...

Theo báo cáo của Viện Kanen Châu Á thì tỷ lệ các doanh nghiệp có báo cáo về CSR với tỷ lệ khá hạn chế, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm về CSR của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng gia tăng. Qua bảng tổng hợp thấy rằng, các doanh nghiệp mới chỉ đề cao nâng cao nhận thức về CSR, việc thực hiện áp dụng vào thực tế còn rất thấp, chưa được đề cao, đây là vấn đề bất cập cần điều chỉnh

Xếp hạng

Vấn đề ưu tiên trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tỉ lệ phần trăm

1

Xây dựng nhận thức về trách nhiệm xã hội

45.8 %

2

Giảm thiểu tác động môi trường

13.6 %

3

Cải thiện chuỗi chính sách cung ứng

11.9 %

4

Giải quyết vấn đề nhân quyền

8.5 %

5

Giải quyết vấn đề quan hệ lao động

6.8 %

5

Chống tham nhũng trong doanh nghiệp

6.8 %

5

Phát triển sản phẩm/dịch vụ với đặc tính xã hội, môi trường

6.8 %

6

Cải thiện báo cáo tính bền vững của công ty

3.4 %

Bảng 2: Mức độ ưu tiên các vấn đề liên quan CSR (Nguồn Viện Kenan Châu Á)

3.2. Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm đóng góp xây dựng chuỗi giá trị xanh

3.2.1. Giải pháp từ doanh nghiệp

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức CSR, nội dung các nghĩa vụ trong thực hiện CSR, từng bước xây dựng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm xã hội cao, đặc biệt là thay đổi tư duy và ý thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với CSR.

Thứ hai: Hiểu rõ mối quan hệ biện chứng, quan hệ nhân quả giữa việc thực hiện CSR trong hoạt động kinh doanh với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải biết đánh giá lợi ích của việc thực hiện CSR mang lại cho doanh nghiệp những gì? biết phân tích xu hướng và đòi hỏi của thị trường có liên quan đến CSR hiện nay và tương lai.

Thứ ba: Doanh nghiệp phải gắn nội dung các nghĩa vụ CSR trong mọi giai đoạn thực hiện hoạt động kinh doanh, trong mọi hoạt động thương mại, từ bán hàng, thông tin sản phẩm, quảng cáo, giao nhận hàng, chất lượng, đấu thầu..

Thứ tư: Doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các bộ tiêu chuẩn mang tính pháp lý về chất lượng, về an toàn sản phẩm, cạnh tranh. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp cần phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc có được một số chứng chỉ và bộ quy tắc ứng xử được quốc tế công nhận và là yêu cầu của thị trường.

Thứ năm: Doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các bộ luật như Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật môi trường, Luật cạnh tranh, Luật doanh nghiệp,.. và các Nghị định của Chính phủ liên quan, thể hiện rõ trách nhiệm về mặt pháp lý và đảm bảo nghĩa vụ kinh tế cho các bên liên quan đến các hoạt động thương mại sản phẩm - dịch vụ của mình. Doanh nghiệp phải chú ý tới ý kiến của các đối tượng hữu quan qua mạng xã hội, các kênh truyền thông về việc thực hiện các nghĩa vụ CSR của doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị xanh

3.2.2. Đối với cấp Nhà nước, Bộ, Ngành

Một là: Phải xây dựng hệ thống chính sách pháp luật của nước ta về bảo vệ lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan một cách đồng bộ, nhất quán, tránh thay đổi và đối lập nhiều dẫn đến khó áp dụng.

Hai là: Khi triển khai thực hiện chuỗi giá trị xanh phải phân cấp công việc rõ ràng cho từng cấp Bộ Ngành, các cơ quan chức năng chủ quan tránh chồng chéo.

Ba là: Tăng cường củng cố lực luợng thực thi công vụ, các phương tiện và công cụ kiểm tra, đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động

Bốn là: Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về CSR, chuỗi giá trị xanh cho mọi thành phần trong xã hội tự điều chỉnh, tự tác động, quan hệ tương hỗ lẫn nhau, điều chỉnh giám sát lẫn nhau, tạo ra quyền lực mềm điều chỉnh giữa các bên trong quá trình thực hiện CSR.

Có thể khảng định rằng trong môi trường hội nhập ngày nay với các tiêu chí về phát triển bền vững hướng tới xây dựng chuỗi giá trị xanh, tiêu dùng, sản xuất và thương mại “Xanh”, thực hiện trách nhiệm xã hội với chuỗi giá trị xanh thì một doanh nghiệp thành công đó là “Một công ty không thể thành công, không thể phát triển bền vững, thậm chí không tồn tại, nếu không quản lý kinh doanh của mình có tinh thần trách nhiệm xã hội và sống theo sự tin tưởng đặt nó trong sự tin tưởng của khách hàng, người lao động, cổ đông, đối tác và toàn xã hội. Tin tưởng này không chỉ dựa trên công ty như một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần chỉ biết làm kinh tế, mà coi công ty như là một công dân có trách nhiệm xã hội cao, luôn phấn đấu để xây dựng một xã hội tốt đẹp bền vững hơn. Những doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm xã hội có thể sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay”

Ts. Trần Đức Dũng

Khoa QTKD - Đại học Kinh tế Quốc dân

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Văn Đức (2010), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách”, Tạp chí Triết học, số 2.

2. Hoàng Thị Thanh Hương và Đặng Thị Kim Thoa (2012), "Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp - Công cụ tạo lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 181 (II), tr. 109-111.

3. Hoàng Thị Thanh Hương và Lê Công Hoa (2013), “Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành may và chiến lược trách nhiệm xã hội", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số đặc biệt tháng 9, tr. 41-47.

4. Lê Minh Tiến, Phạm Như Hồ (2009), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, NXB Tri Thức, Hà Nội. Lê Thanh Hà (2009), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

5. Nguyễn Đình Cung (2009) “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một số vấn đề lý luận và yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước đối với CSR ở Việt Nam” truy cập 28/7/2021.

6. Michel Capron và Françoise Quairel-Lanoizelée 2009): “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, NXB Tri thức, Hà Nội.

7. Lê Thanh Hà (2009), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội

8. Nguyễn Văn Thắng (2009), "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam theo khung tham chiếu của Hiệp ước toàn cầu (Global Compact)", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 195, tr. 3-9.

9. Blowfield & Murray (2008), “Corporate Responsibility”, NXB McGraw-Hill

10. Carroll AB, (1999), “Corporate Social Responsibility,” Business and Society, 38(3),268-295.

11. Matten and Moon (2008), “Corporate Social Responsibility” University of Nottingham. Academy of Management Review Vol. 33, No. 2, 404–424

12. Manakkalathil, J., & Rudolf, E. (1995): Corporate social responsibility in a globalizing market, SAM Advanced Management Journal (Winter).

13. https://vneconomy.vn/chuoi-gia-tri-xanh-cua-traphaco.htm

14. https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/xay-dung-chuoi-gia-tri-cho-san-pham-nong-nghiep-635731/

15. https://ocd.vn/chuoi-gia-tri-doanh-nghiep/

Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động