Trang phục người Mảng ở Mường Tè: Cái duyên của tấm vải trắng

24/12/2023 17:18 Văn hóa
Tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; người Mảng cư trú chủ yếu ở các xã: xã Vàng San (bản Nậm Suổng, Sang Sui, Nậm Sẻ), xã Bum Nưa (bản Nậm Củm) và xã Pa vệ sủ (bản A Mài) với tổng 218 hộ và 1.154 nhân khẩu. Cuộc sống của người Mảng tuy còn có những khó khăn nhất định nhưng việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc luôn được các thế hệ người Mảng coi trọng.

Nếu có dịp đến bản Nậm Sẻ (xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), bạn sẽ khá ngạc nhiên khi đi từ đầu bản đến cuối bản đều bắt gặp hình ảnh của những người phụ nữ và trẻ con rực rỡ trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Điều mà ta rất hiếm gặp khi đến các bản của người dân tộc khác. Có lẽ truyền thống mặc quần áo trang phục dân tộc là một trong những truyền thống đẹp mà người Mảng đã và luôn cố gắng lưu giữ hàng ngày và hàng giờ.

Trang phục người Mảng ở Mường Tè: Cái duyên của tấm vải trắng
Người dân tộc Mảng trong trang phục truyền thống trong lễ hội Mường Tè

Trang phục của phụ nữ Mảng có nhiều nét họa tiết giống với người Thái, áo cánh xẻ ngực cách tân và váy dài. Người phụ nữ Mảng không có mũ đội đầu như người Cống, người Si La; trang phục của họ cũng không phân chia tình trạng hôn nhân như người Si La. Tuy nhiên, để mái tóc trở nên quyến rũ họ đã thêm một chiếc dây cuốn tóc có màu sắc tươi tắn. Áo của người Mảng cũng phải có đồng bạc, đồng xu để trang trí. Đồng xu cũng phải có 2 đến 3 loại đồng xu. Màu sắc của chiếc áo không cố định một màu nhất định mà có thể thay đổi màu sắc tùy thích: có thể áo màu xanh, màu hồng, màu đỏ...

Trang phục người Mảng ở Mường Tè: Cái duyên của tấm vải trắng
Các thiếu nữ người dân tộc Mảng duyên dáng trong trang phục dân tộc với các điệu múa truyền thống

Người Mảng không dệt vải mà trao đổi hàng hóa với người Thái để lấy vải nhưng các kỹ thuật đo, cắt may, thêu từ trước đến nay đều dựa theo kinh nghiệm của các thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau Họ thường ghép vải màu sặc sỡ có hình hoa văn hình cây, hoa, lá tạo thành đường viền cho cổ áo, tay áo, gấu áo làm cho các vị trí này trở nên rực rỡ, nổi bật. Các hình thêu với hoa văn phong phú từ đơn giản đến phức tạp: hình dấu nhân, hình zíc zắc, hình nét đứt, kẻ sọc, hoa lá...; và chúng đều ý nghĩa tượng trưng về cuộc sống của con người trong vũ trụ và mối quan hệ của con người với thiên nhiên.

Trang phục người Mảng ở Mường Tè: Cái duyên của tấm vải trắng
Người dân tộc Mảng thực hiện thao tác đính phụ kiện lên các trang phục

Điểm đặc biệt tạo nên sự quyến rũ và nổi bật của trang phục nữ giới người Mảng chính là tấm vải choàng quấn quanh thân màu trắng, được điểm bằng các họa tiết thêu tay bằng chỉ đỏ. Theo truyện cổ Nghề dệt vải và váy bưởng của người Mảng giải thích rằng, người phụ nữ xưa đi học nghề trở về mang theo khung cửi. Nhưng nhà nhỏ quá, khung cửi phải để bên ngoài, mưa gió bị ải nát mất, còn người dệt đổ bệnh và mất khi vẫn còn đang làm dang dở và chưa truyền được nghề cho bà con. Vì thế để có cái mặc, người Mảng phải mượn trang phục của dân tộc khác. Vua Mường thấy thế, liền lấy tấm vải trắng người đàn bà kia dệt dở, quấn ngang trang phục Mảng vừa để tưởng nhớ người phụ nữ ấy vừa để phân biệt trang phục người Mảng với dân tộc khác. Có lẽ cũng vì thế mà tấm vải choàng trắng không những giúp các người phụ nữ Mảng xinh đẹp và còn rất duyên dáng. Nam giới người Mảng mặc quần, áo xẻ ngực và khăn quấn trên đầu.

Trang phục người Mảng ở Mường Tè: Cái duyên của tấm vải trắng
Chị Lò Thị Kem, người dân tộc Mảng ( thứ 3 từ trái sang) cùng các chị em bản Nậm Sẻ trong trang phục truyền thống

Bạn Lò Thị Kem (28 tuổi, bản Nậm Sẻ, huyện Mường Tè) cho biết: “Em có bốn đứa con nên em phải khâu và thêu rất nhiều áo. Hầu như lúc nào rảnh là em lại mang đồ ra thêu thùa. Mấy đứa trẻ nhà em rất thích mặc trang phục dân tộc vì nó rất nhiều màu sắc và đẹp. Đối với em trang phục truyền thống không chỉ có ý nghĩa quan trọng giúp người khác nhận biết dân tộc mình mà còn nó còn là tình thương yêu của em dành các con và chồng mình”.

Minh Châu
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động