TS. Trương Văn Vỹ: Tâm tình của người thầy với niềm say mê “Học tập suốt đời”

17/09/2018 21:22 Tăng trưởng xanh
Trong hơn 30 năm của sự nghiệp trồng người, ông không chỉ là một người thầy giáo tận tụy, tâm huyết đã đưa biết bao chuyên đò cập bến tri thức thành công mà còn là một nhà quản lý giàu kinh nghiệm. Để rồi, ở tuổi ngoài 50, người ta vẫn thấy ông miệt mài đi học, miệt mài tiếp thu kiến thức chuyên môn rồi tham dự các kỳ thi, bảo vệ luận văn, luận án nhiều chuyên ngành như một sinh viên bình thường. Quả đúng như Hiệu trưởng trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP HCM đã nói về ông: “Thầy Vỹ là minh chứng thuyết phục cho tinh thần “học tập suốt đời”.

TS. Trương Văn Vỹ: Tâm tình của người thầy với niềm say mê “Học tập suốt đời”

TS. Trương Văn Vỹ

Ông sinh ra tại thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long). Những năm tháng ông bắt đầu cắp sách đến trường cũng là thời điểm mà đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Thế nhưng, ông đã kiên định một lòng, bất chấp mọi gian khổ để phấn đấu vươn tới bầu trời tri thức với mong ước sau này có thể đóng góp phần nào cho quê hương. Năm 1976, ông một mình lên Hà Nội khi cả gia đình chuyển vào Nam. Nơi “đất khách quê người” với biết bao điều lạ lẫm, bỡ ngỡ khiến ông không khỏi lo sợ. Nhưng may mắn là ông đã gặp được những người bạn tốt, họ đã luôn ở bên động viên ông, chia sẻ với ông mọi niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn trong cuộc sống. Và họ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để ông vươt qua một giai đoạn đầy khó khăn trong cuộc đời. Năm 1977, ông thi đỗ vào khoa tiếng Nga, trường Đại học Ngoại ngữ. Dưới sự dìu dắt tận tình của những người thầy nhiệt huyết là những thầy cô tiếng Nga hàng đầu lúc bấy giờ như TS Lê Văn Nhân, ông đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức cũng như từng bước hoàn thiện bản thân mình. Song, với mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình, sau hơn 1 năm theo học tại trường Đại học Ngoại ngữ, ông quyết định xin chuyển vào trường Đại học Tổng hợp TP HCM (nay là trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP HCM). Những thử thách mới lại đặt ra khi ông theo học ở một môi trường mới. Dẫu là vậy, tình yêu với tiếng Nga ngày một lớn đã giúp ông vượt qua tất cả. Nhận ra sự ưu tú nơi chàng sinh viên Trương Văn Vỹ, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà trường đã chuyển tiếp ông qua Liên Xô cũ để ông theo học 1 năm tại đây.
Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng bằng sự chăm chỉ, nỗ lực cùng với sự dìu dắt tận tình của những Giáo sư tiếng Nga đầu ngành nơi xứ sở Bạch Dương xinh đẹp, ông đã tiếp thu được một khối lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ và hoàn thành tấm bằng Đại học, chuyên ngành tiếng Nga xuất sắc.
Người thầy nặng lòng với “duyên nghiệp”
Trong tâm thức, TS Trương Văn Vỹ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một người thầy giáo đứng trên bục giảng, thế nhưng, nghề giáo lại là “duyên nghiệp” của ông, chính nghề giáo đã chọn ông làm một trong những người gắn bó với mình. Mà đã là “duyên” thì khó lòng mà tránh được.
Thời điểm khi ông mới bắt đầu làm giảng viên Khoa tiếng Nga là một thời kỳ đầy khó khăn của đất nước nói chung. Và khoa tiếng Nga khi ấy thiếu thốn đủ mọi bề, đến cả sách và các tài liệu tham khảo đều rất hạn chế. Vậy là, ông lại bắt tay vào để khắc phục khó khăn. Ngày vẫn miệt mài trên giảng đường nhưng đến đêm, khi mọi người nghỉ ngơi thì ông lại miệt mài bên ánh đèn, tìm kiếm tư liệu, phương pháp giảng dạy rồi biên soạn giáo trình để giảng viên có tài liệu giảng dạy, sinh viên có tài liệu học tập. Nhờ phương pháp giảng dạy khoa học và trên tất cả là niềm say mê với nghề, tình yêu với bộ môn, ông đã mang đến cho sinh viên những bài học dễ hiểu, thực sự lôi cuốn. Những cuốn giáo trình do ông biên soạn như bộ giáo trình “Đọc tiếng Nga” (5 tập); bộ sách 3 tập bao gồm Cú pháp tiếng Nga - Cụm từ; Cú pháp tiếng Nga - Câu đơn và Cú pháp tiếng Nga - Câu phức, vừa là Giáo trình, vừa là sách Chuyên khảo về Cú pháp tiếng Nga - cấp độ ngôn ngữ cuối cùng cũng là cấp độ ngôn ngữ khó nhất trong tiếng Nga;… hiện đang được sinh viên chuyên ngành tiếng Nga tại trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP HCM và nhiều trường Đại học, trung tâm ngoại ngữ trong cả nước sử dụng làm giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập.
Bao thế hệ sinh viên theo học Ngữ văn Nga, dưới sự dìu dắt của TS Trương Văn Vỹ nay đều đã trưởng thành, đã đạt được những thành công nhất định. Và hiện nay, ngoài trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP HCM, ông còn tham gia giảng dạy cho các lớp Đại học tại chức ở hầu khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và ở nhiều tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng trở vào). Niềm tự hào, hạnh phúc lớn nhất của TS Trương Văn Vỹ trong sự nghiệp “đưa đò” không gì khác chính là sự trưởng thành, thành công của mỗi học trò.
… và tấm gương về tinh thần “học tập suốt đời”, say mê cống hiến
Yêu nghề và luôn say mê nhiệt huyết, TS Trương Văn Vỹ luôn nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của một người thầy chính là giảng dạy tốt. Năm 2000, ông nhận bằng Thạc sỹ và 6 năm kế tiếp, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Nga với số điểm số điểm tuyệt đối (7/7 chấm luận án). Niềm đam mê học tập của TS Trương Văn Vỹ chưa dừng lại ở đó, sau gần 10 giảng dạy tại Khoa tiếng Nga, ông đã đăng ký theo học chuyên ngành Xã hội học ở các tỉnh Phía Nam vào năm 1992. Song song với việc giảng dạy tiếng Nga, học chuyên ngành Xã hội học, ông còn đăng ký thi vào Đại học tại chức tiếng Anh. Sau biết bao gian nan, năm 1994, ông xuất sắc tốt nghiệp ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh và chỉ 1 năm sau ông tiếp tục nhận bằng Đại học chuyên ngành Xã hội học và hoàn tất bằng Thạc sỹ tiếng Anh. Riêng với chuyên ngành Xã hội học, năm 2013, ông tiếp tục bảo vệ luận án Tiến sĩ Xã hội học với đề tài “Sai lệch xã hội trong xã hội của Emile Durkheim (qua nghiên cứu hai tác phẩm Tự tử và Phân công lao động xã hội)”. Trong quá trình làm luận án, ông đã tận dụng được vốn liếng ngoại ngữ của mình để tiếp cận tác phẩm của Durkheim bằng tiếng Nga và tham khảo bản dịch bằng tiếng Anh.
Tận tâm và hết mình trong mọi vai trò, cương vị, TS Trương Văn Vỹ đã được lãnh đạo nhà trường tin tưởng bổ nhiệm chức vụ Trưởng Khoa Ngữ văn Nga trong liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Và sau đó, trường lại tiếp tục chọn ông đảm nhiệm vị trí mới: trưởng bộ môn Ngữ văn Ý. Với quan niệm, công tác quản lý không thể tách rời chuyên môn, ở tuổi ngoài 50, ông lại lên đường sang Ý để học tiếng. Ông đã xin phép nhà trường kết hợp với những xuất học bổng ngắn hạn trong 3 năm (2013, 2014, 2015) 4 lần sang Ý học tập. Ở khóa học thứ nhất tại trường Đại học dành riêng cho sinh viên nước ngoài tại miền Trung nước Ý, dù nhập học muộn hơn các sinh viên khác hàng tháng, đến cuối khóa TS Trương Văn Vỹ vẫn vươn lên dẫn đầu. Và mục tiêu của ông trong thời gian sắp tới là sẽ tiếp tục học tập để nhận được chứng chỉ C2 về tiếng Ý (chứng chỉ cao nhất theo tiêu chuẩn châu Âu). Nói về niềm đam mê học tập của mình, ông cho biết: “Sự nghiệp học hành của tôi vẫn ở phía trước. Việc học không bao giờ là trễ. Cho dù ở tuổi tôi, mọi thứ đã chậm chạp hơn hồi trẻ, nhưng điều đó không nói lên gì khác ngoài nhắc nhở tôi phải nỗ lực nhiều hơn”.

Thiên Kim
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động