Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu phát triển các Khu công nghiệp bền vững

08/10/2024 08:15 Tăng trưởng xanh
Theo Quyết định quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ phê duyệt mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những địa phương trọng điểm trong chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước. Việc phát triển công nghiệp bền vững theo các quy hoạch quốc gia là một trong các yếu tố then chốt, giúp địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu dài hạn...

Định hướng khu công nghiệp bền vững

Theo Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những địa phương trọng điểm trong chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc nằm trong vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng và đóng vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội.

Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu phát triển các Khu công nghiệp bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Đình Nhã tại Hội nghị phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra tháng 9/2024.

Với phương châm phát triển bền vững, các khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc đang chuyển mình mạnh mẽ cả về cả số lượng, quy mô và chất lượng, địa phương không chỉ tập trung vào mở rộng diện tích mà còn cải thiện chất lượng sản xuất, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường. Đồng thời, địa phương cũng khuyến khích việc thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn… để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các KCN.

Cho đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.146 ha, là địa phương có số lượng KCN hàng đầu cả nước. Sự thành công này không thể không nhắc đến sự kiên định của Vĩnh Phúc trong việc lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua.

Trong bối cảnh thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp bền vững theo các quy hoạch quốc gia, tỉnh Vĩnh Phúc đang nổi lên như một điểm sáng với hệ thống khu công nghiệp ngày càng mở rộng, hạ tầng không ngừng hoàn thiện.

Tập trung giải phát phát triển hạ tầng đồng bộ

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hết tháng 8/2024, Cĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập, tổng diện tích 3.146 ha; trong đó có 9 khu đi vào hoạt động, với 493 dự án còn hiệu lực, gồm 376 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD; 117 dự án DDI, tổng vốn đầu tư trên 37.784 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 140 nghìn lao động và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đơn giá đất; mô hình phát triển KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể... Điều này đã ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của tỉnh.

Trong khi đó, các KCN phát triển theo hướng bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Do đó, các nhà đầu tư hạ tầng KCN đã xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

Để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn hơn nữa của các nhà đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai, hoàn thiện các quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch phát triển KCN và cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để các nhà đầu tư rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các KCN mới.

Giải quyết tốt các vấn đề về định giá đất, khung giá đất, giao đất cũng như phê duyệt cấp vốn cho các dự án tái định cư phục vụ cho dự án hạ tầng KCN, tạo hành lang thuận lợi cho việc đẩy nhanh công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, nhất là về điện, nước, nhà ở công nhân, giao thông công cộng…

Xác định vai trò then chốt của các KCN đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.

Trong đó, tập trung giải quyết sớm các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất, nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót; lập kế hoạch và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các KCN thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác tham mưu, lề lối làm việc, cách thức giải quyết công việc để giải quyết khẩn trương, có hiệu quả các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp phép xây dựng, nghiệm thu xây dựng, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy… nhằm hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu phát triển các Khu công nghiệp bền vững
Việc phát triển công nghiệp bền vững theo các quy hoạch quốc gia là một trong các yếu tố then chốt, giúp tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thắng lợi các mục tiêu dài hạn.

Giải pháp phát triển công nghiệp bền vững

Tại Hội nghị "Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc" tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra 7 giải pháp quan trọng nhằm phát triển các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc theo hướng bền vững, gồm:

Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp: Từ các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp chuyên ngành, phù hợp với quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ: Tỉnh cần chú trọng vào việc đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp. Đồng thời, việc phát triển các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển), ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là những yếu tố then chốt giúp các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc tăng cường sức cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Thu hút đầu tư có chọn lọc: Tỉnh cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành công nghiệp ưu tiên, đồng thời tránh thu hút các dự án có quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng cần được tăng cường để phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai: Phát triển sản xuất công nghiệp cần gắn liền với việc sử dụng hiệu quả đất đai và hình thành các cụm liên kết ngành, tạo sức mạnh tổng hợp giữa các ngành kinh tế trong vùng.

Đảm bảo hạ tầng xã hội: Phát triển hạ tầng xã hội là yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp. Tỉnh Vĩnh Phúc cần xây dựng các khu nhà ở, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng cho người lao động, góp phần giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và bảo vệ môi trường: Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và cải cách thủ tục hành chính là những yếu tố giúp tỉnh Vĩnh Phúc duy trì được sự phát triển bền vững cho các khu công nghiệp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Tỉnh cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng như giao thông và dịch vụ logistics, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao sức hấp dẫn cho các khu công nghiệp.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động