7 sáng kiến đặc sắc về năng lượng sạch của Đông Nam Á
Anh Quốc đạt thành tựu mới về quang điện mặt trời Sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất nước mắm Hệ thống giám sát năng lượng mặt trời thông minh |
Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu. Trong đó, khu vực những quốc gia Đông Nam Á giáp với biển là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất do phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, thiên tai khắc nghiệt…
Để tự cứu lấy mình trước nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng đến mức không thể đảo ngược, con người cần vạch ra một lộ trình phát triển tách rời khỏi mô hình kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch vốn có. Quá trình chuyển đổi năng lượng này đặc biệt quan trọng với Đông Nam Á, nhằm tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Dưới đây là 7 sáng kiến nổi bật về năng lượng sạch của khu vực, hướng tới tương lai tươi sáng, an toàn cho tất cả mọi người khi được nhân rộng hơn.
1. Đèn chai năng lượng mặt trời - Dự án Một lít Ánh sáng - Philippines.
Một lít Ánh sáng (IIsang Litrong Liwanag) là dự án được phát triển bởi Quỹ phi lợi nhuận My Shelter của Phillippines, giúp người dân tận dụng những chai nhựa đựng nước để chiếu sáng mà không cần điện; với ưu điểm vượt trội như giá thành rẻ, lắp đặt đơn giản, dễ nhân rộng và thực sự hữu dụng.
Dự án Một lít Ánh sáng - tận dụng chai nhựa và năng lượng mặt trời làm đèn đang được phát triển mạnh ở Philippines. Ảnh: Luke Duggleby/Eco Business. |
Ý tưởng tận dụng chai nước để chiếu sáng được ra đời năm 2002 bởi một thợ cơ khí người Brazil có tên Alfredo Moser. Khu vực sinh sống của mình thường xuyên mất điện, nên ông Moser đã dùng chai nhựa cũ, đổ đầy nước có pha chất tẩy, kết hợp với một tấm thép mạ kẽm, tận dụng nguyên lý khúc xạ ánh sáng để chiếu sáng mà không cần điện. Tuy nhiên, nó chỉ có thể phát huy tác dụng vào ban ngày. Tên Moser của ông đã được dùng để đặt tên cho loại đèn đặc biệt này.
Đèn Moser ban đầu chỉ có thể phát huy tác dụng chiếu sáng vào ban ngày. Ảnh: Liter of Light. |
Đến năm 2011, một doanh nhân xã hội có tên Illac Diaz đã cải tiến đèn Moser bằng cách lắp thêm bộ pin năng lượng mặt trời để đèn có thể sử dụng được vào cả ban đêm. Ngọn đèn đặc biệt này có thể lắp đặt dễ dàng lên trần nhà, có khả năng thắp sáng tương đương với một bóng đèn 40W; đặc biệt là an toàn hơn rất nhiều so với các công cụ chiếu sáng truyền thống khác như dầu hoả, nến... mỗi khi mất điện.
Hiện nay, Quỹ phi lợi nhuận My Shelter đang tình nguyện phổ biến cho người dân địa phương cách sản xuất và lắp đặt đèn Moser năng lượng mặt trời, mang lại lợi ích cho khoảng 145.200 hộ gia đình ở Philippines và 208.400 hộ tại 14 quốc gia khác trên toàn thế giới.
Dự án này đặc biệt có ý nghĩa khi tại nhiều vùng ở các quốc gia đang phát triển - nơi người dân không được đảm bảo về an ninh năng lượng. Phát minh này không chỉ thắp sáng cuộc sống của họ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà còn góp phần đẩy mạnh tái chế nhựa.
2. Kiến trúc làm mát thụ động - The Floating Leaf - Bali, Indonesia
The Floating Leaf là một khu nghỉ dưỡng ở đảo Bali (Indonesia). Nơi đây không dùng điều hoà, mà dùng nhiều cây xanh và những kiến trúc đặc biệt để làm mát không khí.
Kiến trúc sư thiết kế The Floating Leaf trồng cây ở mọi nơi có thể. Ảnh: The Floating Leaf. |
Các kiến trúc sư đã trồng cây ở mọi nơi có thể trong khu nghỉ mát: trên các bức tường, mái nhà,… Họ còn xây dựng các căn phòng và toà nhà hình tròn để cải thiện lưu thông không khí, giảm diện tích tiếp xúc với ánh mặt trời.
Nơi nổi bật nhất của khu nghỉ dưỡng là phòng tập yoga mở. Ảnh: The Floating Leaf. |
Từ trước khi xây dựng, chủ nhân của khu nghỉ dưỡng đã lựa chọn cẩn thận, sao cho vị trí của công trình nằm ở điểm đón gió. Nơi nổi bật nhất của khu nghỉ dưỡng là phòng tập yoga mở, rộng 185 mét vuông, được thiết kế để hút gió trời từ hai bên trong khi khí nóng thoát ra qua khe hở trên mái nhà.
Ông Mikaku Doliveck - Chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng cho biết, họ có lắp đặt quạt trần nhưng hầu như không cần dùng đến.
3. Dự án Microgrids tích hợp của Công ty Yoma Micro Power - Myanmar
Myanmar hiện là quốc gia có tỉ lệ điện khí hóa thấp nhất châu Á. Tuy nhiên, quốc gia này đang có tham vọng rất lớn khi đề ra mục tiêu đạt được những tiêu chuẩn năng lượng quốc tế vào năm 2030. Thách thức lớn nhất của Myanmar là phần lớn người dân sống ở các vùng nông thôn, xa lưới điện quốc gia, nhu cầu năng lượng của mỗi hộ gia đình còn thấp… khiến điều kiện phát triển lưới điện kém, kéo theo chi phí năng lượng tăng.
Một hệ thống microgrid nằm gần tháp radio ở vùng Mandalay, Myanmar. Ảnh: Yoma Micro Power |
Trước vấn đề này, Công ty năng lượng Singapore Yoma Micro Power đã đưa ra giải pháp sử dụng lưới điện siêu nhỏ (microgrid). Đây là hệ thống năng lượng tích hợp bao gồm các nguồn năng lượng phân tán, một số phụ tải và bộ máy đo đếm. Hệ thống này có thể hoạt động như một lưới điện độc lập, tách khỏi lưới điện phân phối hiện hành.
Hệ thống microgrid do Yoma lắp đặt cung cấp năng lượng từ pin mặt trời, được bổ trợ bởi các máy phát điện diesel dự phòng, cung cấp khoảng 4% tổng công suất.
Mức carbon mỗi hệ thống microgrid dự kiến sẽ thải ra thấp hơn máy phát điện diesel thông thường tới 22,5 tấn.
Dự án xây dựng các trạm phát điện microgrid được triển khai gần các tháp radio, đang mọc lên trên khắp đất nước trong những năm gần đây nhờ vào sự phát triển của ngành viễn thông Myanmar. Nhờ vậy, nhiều khu dân cư có được nguồn năng lượng đảm bảo mà không cần kết nối với lưới điện quốc gia.
Cho đến nay, Yoma đã lắp đặt được 51 lưới điện siêu nhỏ, có kế hoạch cấp thêm 200 hệ thống vào cuối năm nay, về lâu dài sẽ kết hợp với lưới điện chính. Đây được cho là giải pháp bền vững và hiệu quả nhất để Myanmar đạt được tham vọng điện khí hoá nông thôn.
4. Xe máy điện của Công ty Eclimo - Malaysia
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, nhiều thành phố ở Đông Nam Á đang bị nhấn chìm trong ô nhiễm không khí và tiếng ồn do động cơ diesel của xe máy. Đặc biệt là khi làn sóng người di cư từ nông thôn lên các khu vực đô thị để tìm kiếm việc làm. Mỗi năm, khu vực này có thêm ít nhất 12 triệu xe máy.
Hội đồng thành phố đảo Penang cấp xe điện của Eclimo cho các nhân viên hành pháp. Ảnh: Eclimo. |
Trước tình hình trên, Công ty xe điện Eclimo đã đưa vào thị trường dòng xe máy điện với giá khoảng 4.300 USD/chiếc và dịch vụ cho thuê xe theo ngày với mức giá khoảng 12 USD.
Dòng xe này có thể được sạc đầy trong vòng 4 giờ qua bất kỳ ổ cắm điện AC nào, ngoài ra bộ pin của Eclimo còn có khả năng sạc năng lượng mặt trời bổ sung.
Bộ pin của Eclimo có khả năng sạc năng lượng mặt trời bổ sung. Ảnh: Eclimo. |
Hiện, công ty này đang triển khai kế hoạch mở rộng độ phủ sóng của xe điện bằng cách cho thuê số lượng lớn đối với các tổ chức như Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, chuỗi cửa hàng ăn nhanh KFC, các hội đồng thành phố,…
Eclimo cũng hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) để cho những người lái xe ba bánh ở Campuchia thuê xe điện, nhằm đối phó với mưa axit do khí thải ở khu vực Angkor Wat.
5. Công nghệ canh tác thẳng đứng Sky Greens - Singapore
Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, người nông dân đang tích cực tìm cách tối ưu hoá canh tác về mặt năng lượng bằng cách ứng dụng công nghệ mới. Công ty Sky Greens của Singapore đã đưa canh tác nông nghiệp lên một tầm cao mới khi áp dụng mô hình trang trại thẳng đứng.
Giải pháp canh tác mới của Sky Greens đưa sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới. Ảnh: Sky Greens. |
Hệ thống canh tác này gồm các tháp thẳng đứng, mỗi tháp chỉ cần 40 watt điện để vận hành, có 38 tầng rau xanh, ngập trong dung dịch dinh dưỡng sạch, không dùng phân bón hoá học hay thuốc trừ sâu. Để đảm bảo mỗi tháp có đủ ánh sáng mặt trời để phát triển, mỗi tháp quay với tốc độ chậm suốt cả ngày thông qua hệ thống thuỷ lực, chỉ cần nửa lít nước để vận hành.
Hệ thống canh tác này gồm các tháp thẳng đứng, mỗi tháp chỉ cần 40 watt điện để vận hành và có 38 tầng rau xanh. Ảnh: Sky Greens. |
Hiện tại, sản phẩm của Sky Greens đang được bán tại các siêu thị địa phương. Công ty đã triển khai các dự án thí điểm tại Bangkok và nhiều thành phố ở Trung Quốc, tương lai mở rộng mô hình canh tác này ra khắp thế giới.
6. Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng cho khách sạn - Singapore
Các khách sạn ở vùng nhiệt đới thường phải chạy hệ thống điều hoà liên tục để đảm bảo tiện nghi cho khách hàng, kéo theo chi phí tài chính và môi trường lớn. Trong bối cảnh nhiệt độ ngày càng tăng, tối ưu hoá năng lượng trở thành ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Nhiều khách sạn ở Singapore đã áp dụng thành công công nghệ của SensorFlow. Ảnh minh hoạ. |
Vì vậy, Công ty khởi nghiệp quản lý năng lượng SensorFlow của Singapore đã phát triển một giải pháp mới, giúp tiết kiệm tới 30% năng lượng so với hiện nay. Cụ thể là áp dụng hệ thống cảm biến không dây siêu nhạy để theo dõi sự thay đổi môi trường trong các phòng khách sạn nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Thiết bị của SensorFlow theo dõi nhiệt độ phòng và tự động tắt điều hòa khi phòng khách sạn không có người, giúp tiết kiệm khoảng 8.300 kwh mỗi tháng. Hệ thống tùy biến cũng có thể được bật để tăng nhiệt độ khi khách rời khỏi và quay trở lại mức phù hợp khi họ trở về. Điều này giúp giảm năng lượng tiêu thụ mà không ảnh hưởng đến sự thoải mái của khách.
Cảm biến độc quyền của SensorFlow cũng có thể xác định được độ ẩm trong phòng, cho phép các khách sạn chủ động tránh nguy cơ bị nấm mốc.
Đầu năm nay, công ty đã huy động thành công 2,7 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Singapore và thúc đẩy thâm nhập vào các thị trường mới trong khu vực.
7. Sử dụng khí thải carbon từ các ngành công nghiệp để phát triển vi tảo - Thái Lan
10 năm trước, kỹ sư Saumil Shah đã nuôi ý tưởng thành lập các trang trại trên đỉnh các toà nhà trong đô thị, sao cho tận dụng được khí thải carbon trong sản xuất. Ông đã thành lập EnerGaia với tầm nhìn mở ra trang mới cho công nghiệp sản xuất thực phẩm trong bối cảnh khủng hoảng khí nhà kính. Sản phẩm chính của công ty là tảo xoắn, có màu xanh với giá trị dinh dưỡng cao, thậm chí có thể cạnh tranh với các sản phẩm thay thế thịt.
EnerGaia đã biến các mái nhà trống thành trang trại đô thị tiết kiệm tài nguyên. Ảnh: EnerGaia |
Công ty EnerGaia tự hào khi mang lại công nghệ tận dụng nguồn năng lượng hiệu quả và ít phát thải carbon. Theo các chuyên gia, EnerGaia không để lãng phí bất cứ tài nguyên nào, thậm chí tận dụng khí thải carbon của các khu công nghiệp để sục khí và pha trộn để nuôi dưỡng tảo. Hơn nữa, lò phản ứng sinh học độc quyền của EnerGaia chỉ cần 150 lít nước để sản xuất một kg sản phẩm.
Họ thậm chí tiết kiệm tài nguyên đất bằng cách thiết lập trang trại trên các mái nhà trống. Vị trí này tương đối lý tưởng cho tảo phát triển do có nhiệt độ cao và tận dụng được nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào, thuận lợi cho quang hợp.
Kể từ khi thành lập vào năm 2009, công ty đã mở rộng hoạt động sang Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam. EnerGaia cũng đang trong quá trình thúc đẩy sản xuất tảo xoắn ở các vùng nông thôn, phối hợp với Quỹ Bill & Melinda Gates.
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.