Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều giải pháp quyết liệt xử lý chất thải rắn sinh hoạt

15/11/2022 09:15 Địa phương
Để hoàn thành mục tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chấm dứt việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chuyển sang xử lý bằng công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế nhằm triệt để xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh chỉ rõ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên triển khai thực hiện chuyển đổi hình thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh sang hình thức xử lý bằng công nghệ đốt, tái chế, phát điện bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Tuy nhiên, đến nay, việc chuyển đổi hình thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp sang công nghệ đốt, tái chế vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế và do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư dự án. Ngoài ra, đầu tư nhà máy đốt rác phát điện với công nghệ tiên tiến, hiện đại đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều kinh nghiệm, làm chủ công nghệ xử lý chất thải. Song, các tổ chức đăng ký đầu tư vào tỉnh hầu hết chưa chứng minh được năng lực...

Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom trên phần đất liền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trung bình khoảng 920 tấn/ngày và đang được chôn lấp hợp vệ sinh trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Tuy nhiên, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đang có xu hướng tăng nhanh, dự tính đến năm 2025, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phần đất liền thuộc địa bàn tỉnh vào khoảng 1.590 tấn/ngày.

Trên địa bàn huyện Côn Đảo, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày vẫn đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp tại khu vực Bến Đầm, một phần được đốt bằng lò đốt rác thô sơ thông thường. Đến nay, địa phương còn tồn khoảng hơn 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt chưa được xử lý. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh thêm mỗi ngày khoảng 11 tấn, trong khi đó, mỗi ngày lò đốt rác tại huyện Côn Đảo chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác, số còn lại vẫn tiếp tục được thu gom đưa về khu Bãi Nhát.

Trước những tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt nêu trên, ngày 19/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Thông báo số 572/TB-TU về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên tại thị xã Phú Mỹ, kết hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo bằng nguồn xã hội hóa.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều giải pháp quyết liệt xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Chất thải rắn sinh hoạt trên đất liền đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu và xây dựng dự thảo quy định Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo. Nhà đầu tư thực hiện hai dự án trên phải đảm bảo các điều kiện như: diện tích đất khoảng 5ha, ưu tiên dự án có thiết kế xây dựng công trình và công nghệ ứng dụng sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; công suất xử lý 1.000 tấn/ngày đêm, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được vận chuyển đến cung cấp phục vụ cho hoạt động xử lý của dự án có phạm vi thu gom được yêu cầu giới hạn trong địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đối với dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo, nhà đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo các điều kiện: diện tích đất khoảng 1,92ha, ưu tiên dự án có thiết kế xây dựng công trình và công nghệ ứng dụng sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; công suất xử lý 50 tấn/ngày đêm, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được vận chuyển đến cung cấp phục vụ cho hoạt động xử lý của dự án có phạm vi thu gom được yêu cầu giới hạn trong địa bàn huyện Côn Đảo.

Bên cạnh đó, công nghệ trong dự án phải có nguồn gốc, xuất xứ thuộc các nước phát triển (G7, EU), có cam kết hoặc xác nhận công nghệ (licensing) của bên sở hữu công nghệ hoặc bên cung cấp chuyển giao công nghệ và phải đáp ứng được các yêu cầu như: hệ thống máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện trong dây chuyền công nghệ được đưa vào sử dụng trong dự án phải hoàn toàn đồng bộ, bảo đảm mới 100% và được chế tạo, sản xuất trong vòng 3 năm gần đây.

Đồng thời, phải được bố trí lắp đặt, kết nối liên hoàn tại một địa điểm nhất định theo hồ sơ, quy trình công nghệ có trong thiết kế, bảo đảm vận hành ổn định, hiệu quả; các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị công nghệ trong dây chuyền xử lý phải đáp ứng được theo các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường…

Ngoài chủ trương đầu tư cho công nghệ đốt, phát điện, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tập trung tối đa nguồn lực để tập huấn, tuyên truyền về phân loại chất thải đầu nguồn đến người dân trong toàn tỉnh. Phấn đấu đến hết 2023, tỷ lệ rác thải được phân loại đầu nguồn đạt 80% tỷ lệ rác thải thải bỏ.

Với những giải pháp thiết thực nêu trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hy vọng trong thời gian tới việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sớm đi vào hiệu quả và quy củ.

Hoàng Văn Khanh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động