Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy: Tăng cường đầu tư hạ tầng, thu gom xử lý từ nguồn

04/01/2021 10:31 Tác động môi trường
Sau 12 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chất lượng nước hai con sông có xu hướng giảm gia tăng ô nhiễm, tuy nhiên vẫn chưa được cải thiện nhiều. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm trên lưu vực sông, các địa phương đều phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ đầu nguồn.
Sông Nhuệ - Đáy ô nhiễm nặng, không đảm bảo để tưới tiêu
bao ve moi truong luu vuc song nhue day tang cuong dau tu ha tang thu gom xu ly tu nguon
Một góc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Hệ thống lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có tổng diện tích gần 7.000km2, gồm nhiều chỉ lưu, có chức năng điều tiết nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho phần lớn diện tích của 5 tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực là: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động ở lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, ngày 29/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Sau khi đề án được ban hành, công tác BVMT tại các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành đã được đẩy mạnh. Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực; xây dựng quy hoạch BVMT lưu vực đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, xây dựng nghị định quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên địa bàn lưu vực; tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Bộ Xây dựng triển khai xây dựng quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn lưu vực. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai các dự án tiêu nước hệ thống sông Nhuệ, bao gồm nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm trên lưu vực. Các địa phương trong lưu vực đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch triển khai Đề án sông Nhuệ - sông Đáy và công tác BVTM của địa phương mình; bắt đầu xây dựng và triển khai các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị, nước thải làng nghề, khu công nghiệp. Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét khơi thông dòng chảy, cân bằng và bổ cạp nước; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy với sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động BVMT.

Để thực hiện công tác (BVMT) trong những năm tiếp theo, tại Hội Nghị lần thứ 12 Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (nhiệm kỳ VI) vừa diễn ra tại thành phố Hà Nội, các địa phương nằm trên lưu vực hai con sông này đã đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và quyết liệt.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho rằng, các tỉnh đều phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ đầu nguồn. Những năm qua, Hà Nam đã tập trung thực hiện công tác BVMT, mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng chưa đạt được như yêu cầu đề ra. Môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy vẫn bị ô nhiễm. Bình quân mỗi năm vẫn có từ 10 -15 đợt nước thải từ Hà Nội đổ về gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp ở các tỉnh hạ lưu và đặc biệt Hà Nam là tỉnh tiếp nhận trực tiếp nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ. Do đó, cần đầu tư hệ thống thu gom, xử lý từ nguồn thải chính. Các tỉnh, địa phương, khu/cụm công nghiệp làng nghề khi xả thải cần đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn môi trường; đồng thời đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, các khu/cụm công nghiệp và làng nghề...

Ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các dự án đầu tư cải tạo, nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; các dự án bổ sung nguồn nước sông, các công trình tiêu thoát nước.Thời gian tới, Hà nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy; tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải góp phần BVMT lưu vực sông; đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra về BVMT và tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự án đang hoạt động thuộc lưu vực sông Nhuệ -Đáy.

Để việc thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy đạt được kết quả như mong muốn, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nam Định đề xuất Trung ương tăng hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình BVMT do nguồn vốn đối ứng của tỉnh còn hạn hẹp. Cần có cơ chế tài chính đặc thù cho nhiệm vụ BVMT lưu vực sông. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường hàng năm và cần sự vào cuộc phối hợp kịp thời của các bên có liên quan, giải quyết dứt điểm các vụ việc ô nhiễm môi trường liên tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra 4 chương trình, dự án, giải pháp cụ thể, gồm: xây dựng khu xử lý và chôn lấp rác thải ở TP. Hòa Bình; xây dựng Trạm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh; trồng rừng vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; quy hoạch BVMT vùng lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư được nâng lên; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước mặt tại các điểm thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm các kim loại nặng, các thông số, chỉ tiêu quan trắc cơ bản nằm trong giới hạn cho phép.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đề xuất xây dựng các trạm quan trắc môi trường nhằm chia sẻ thông tin giữa các tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy để tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tập trung hoàn thiện, xây dựng quy hoạch về bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy năm 2020 và định hướng đến năm 2030....

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động