Bình Định: Quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường 6 tháng cuối năm 2023

22/06/2023 13:57 Địa phương
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2023, mà luôn là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược trong tiến trình đưa Bình Định trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chủ chốt trong 6 tháng cuối năm 2023
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chủ chốt trong 6 tháng cuối năm 2023

Ngày 12/6/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã cơ bản có những chuyển biến tích cực.

Nhiều chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội

Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý II đạt 7,22%, 6 tháng đầu năm đạt 6,46%. So với cả nước, Bình Định xếp vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 09/14 địa phương vùng miền Trung và thứ 2/5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tất cả các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương. Hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp duy trì ổn định; sản lượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đều tăng so với cùng kỳ. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái tiếp tục được tăng cường, triển khai quyết liệt, mang lại kết quả tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 0,08%; giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 19,34%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 17% so với cùng kỳ; giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 28,12%% kế hoạch vốn giao. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục triển khai quyết liệt gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; toàn tỉnh thu hút mới 39 dự án với tổng vốn đăng ký 10.697,3 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 514 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.584,2 tỷ đồng.

Triển khai quyết liệt 03 chương trình mục tiêu quốc gia; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, đã và đang tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các huyện, tiến tới tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từng bước được nâng lên...; đã hoàn thành việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 1.700 cán bộ, công chức ở cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Trên các mặt về kinh tế - xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã hoàn thành được một số các chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, tỉnh còn chưa làm tốt trên một số các mặt khác, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường. Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn còn cần tăng cường phối hợp cùng ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong nửa cuối năm 2023.

Quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường 6 tháng cuối năm

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 24/2/2023 bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung, không để tồn đọng, nhất là rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ tồn đọng còn lại 6 tháng cuối năm 2023 là trách nhiệm của tất cả các đơn vị trong tỉnh, trong đó công tác bảo vệ môi trường phải được đặc biệt chú trọng, không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối, chịu trách nhiệm và triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; theo dõi, đôn đốc các địa phương mở rộng địa bàn và nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt; tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, chất thải, nước thải. Triển khai Kế hoạch quản lý chất thải rắn giai đoạn 2023 - 2025 định hướng đến năm 2030; đồng thời, chú trọng thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, nhất là Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn).

Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đưa công tác này từng bước đi vào nền nếp; tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh năm 2023, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong tháng 6/2023. Kiểm tra, rà soát, đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường, các dự án hết thời hạn; các dự án không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (nợ tiền ký quỹ, cấp quyền, tiền thuế các loại…) và các dự án khai thác khoáng sản không triển khai hoạt động quá 12 tháng nhưng không có lý do chính đáng; đồng thời, không xem xét, đề xuất cấp phép khai thác khoáng sản, gia hạn giấy phép cho các trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất việc cấp mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công theo quy định của Luật Khoáng sản và các Văn bản hướng dẫn thi hành; không để xảy ra việc giao mỏ không đúng đối tượng, làm nảy sinh hoạt động “mua đi, bán lại” tăng giá vật liệu xây dựng.

Chủ động phối hợp với các địa phương tích cực, chủ động thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; trong đó, xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật về đất đai; theo dõi, hướng dẫn kịp thời các địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Triển khai hiệu quả các nội dung Kế hoạch ra quân năm cao điểm xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh theo Kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự trên lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh. Phối hợp hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm chưa được xử lý từ trước đến nay, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý đất đai từ nay đến năm 2025.

Chủ động bám sát tình hình, theo dõi kết quả việc Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai.

Với sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như sự phối hợp đến từ các cơ quan, ban, ngành, địa phương nhất định tỉnh Bình Định sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường qua đó góp phần vào thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động