Bình Dương: Doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

14/08/2023 08:01 Địa phương
Bình Dương đã thu hút gần 40 tỷ USD, với 4.082 dự án đến từ 65 quốc gia; trong đó, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về vốn đầu tư là gần 6 tỷ USD với 350 doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt tại Bình Dương.
Bình Dương: Doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
ảnh minh họa

Trong chương trình "Gặp gỡ Nhật Bản 2023", ngày 8/9, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng cho 4 doanh nghiệp Nhật Bản. Cụ thể, tỉnh này trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon tại Thành phố mới Bình Dương với tổng vốn đầu tư 5,1 triệu USD cho Công ty TNHH Aeon Việt Nam. Dự án này có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản.

Trong số 3 dự án được trao giấy phép đợt này có 2 dự án được trao giấy phép xây dựng nhà máy, một dự án được trao giấy phép đầu tư. Đầu tiên là dự án mở rộng nhà máy của Công ty TNHH Nitto Denko.

Nitto Denko mở rộng nhà máy để sản xuất và gia công các sản phẩm mạch in dẻo (FPC), vật liệu điện tử chính xác, vật liệu điện, các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, các loại linh kiện quang học. Nhà máy cũng sản xuất và gia công sản xuất các sản phẩm mạch tích hợp (CIS). Nitto Denko đầu tư vào Bình Dương hơn 113 triệu USD để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dự án thứ hai được trao giấy phép xây dựng là xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của Công ty TNHH Yuwa với số vốn đầu tư 40 triệu USD. Yuwa đầu tư vào Bình Dương để sản xuất linh kiện đấu nối, linh kiện công tắc, linh kiện ô tô và các loại linh kiện khác dùng trong thiết bị điện tử và dụng cụ y tế.

Công ty TNHH Takako Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất kinh doanh bơm, mô tơ pít tông thủy lực, cung cấp cho thị trường toàn thế giới, đặt nhà máy tại tỉnh Bình Dương. Ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takakao, cho biết công ty đã đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Hiện nay, Takakao có thể tự chủ về nguyên liệu.

Ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp (Nhật Bản), cho biết tập đoàn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, trong đó có Bình Dương để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc. Ông đánh giá Bình Dương là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí của Sharp. Hiện tại, tập đoàn đã có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) Bình Dương.

Tập đoàn Sharp mở rộng đầu tư và xây dựng thêm 1 nhà máy quy mô lớn chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, sản xuất đồ điện, điện tử gia dụng, sản phẩm sức khỏe.

Ông Nagato Takahiko, Chủ tịch Chi hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương, cho biết Bình Dương là địa phương được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu…

Ông Sasaki Hajime, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc hội Nhật Bản cho biết, qua khảo sát chuyến công tác cảm nhận về Bình Dương vẫn phát triển với tốc độ nhanh, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên trong thời gian dịch COVID-19 chứng tỏ Bình Dương chuyển động phát triển đúng hướng.

Ông Sasaki Hajime, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc hội Nhật Bản đánh giá cao việc tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư làm ăn có hiệu quả tại địa phương; trong đó có Tập đoàn Tokyu và các tập đoàn khác có nguồn vốn hung mạnh sẵn sàng tham gia đầu tư vào Bình Dương, Ông Sasaki Hajime, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc hội Nhật Bản cho biết sẽ quan tâm sâu sát, chỉ đạo các tập đoàn dành nguồn vốn về hợp tác phát triển hạ tầng, nhất là về đầu tư cho giao thông như tuyến đường sắt công nghiệp và tuyến đường sắt đô thị.

Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết hiện địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP HCM) với gần 4.150 dự án đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với 350 dự án và tổng số vốn 5,9 tỷ USD. Hầu hết các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Bình Dương, như Panasonic, Toshiba, Foster, Tokyu, Công ty Fujikura, Aeon.

Sự bứt phá này đã và đang tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương. Đây là lý do vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Bình Dương có xu hướng tăng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cũng nhấn mạnh, nhằm tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn, cũng như tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, Bình Dương khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử.

Trên thực tế, trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI.

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương đã hình thành KCN tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

Tính đến nay, Bình Dương có khoảng 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, bao gồm lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí. Bình Dương đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Thời gian qua, ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 cũng như mâu thuẫn địa chính trị đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, áp lực từ giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao đã khiến các doanh nghiệp FDI có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước hơn trước đây. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Bình Dương luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển. Hiện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có trên 1.800 thành viên, trong đó ở Bình Dương là đông nhất với hơn 140 thành viên”- Chủ tịch Chi hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương Nagato Takahiko.
Pv

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động