Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường

Bỏ quy định “tiền kiểm” về xác nhận kế hoạch Bảo vệ môi trường

22/12/2019 12:06 Tác động môi trường
Theo Điều 18, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cụ thể như sau:
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
bo quy dinh tien kiem ve xac nhan ke hoach bao ve moi truong
Đề xuất bỏ quy định “tiền kiểm” về xác nhận kế hoạch BVMT và thay vào đó là“hậu kiểm” bằng giấy phép môi trường.

a) Về đánh giá môi trường chiến lược

- Thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐMC so với Luật BVMT 2014. Theo đó, các chiến lược, kế hoạch không phải thực hiện ĐMC. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện ĐMC là các quy hoạch theo quy định trong Luật quy hoạch.

- Quy định thẩm quyền thẩm định ĐMC phù hợp với pháp luật về quy hoạch. Quy định thẩm quyền thẩm định ĐMC của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với quy hoạch thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.

- Bổ sung quy định cụ thể về nội dung thẩm định, thời hạn thẩm định báo cáo ĐMC, Luật BVMT hiện hành giao Chính phủ quy định nội dung này.

b) Về đánh giá tác động môi trường

- Bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công. Theo đó, các đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường gồm:(1) Dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án (các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng không liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường); (2) Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Kết quả đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thể hiện là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

- Quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM bảo đảm thống nhất với dự án đầu tư, đầu tư xây dựng theo tiêu chí phân loại của Luật Đầu tư công. Chỉ các dự án đầu tư xây dựng mới có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM. Các dự án khác không thuộc quy định nêu trên và dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có không phải thực hiện ĐTM. Các đối tượng phải thực hiện ĐTM được phân thành 02 nhóm: 1) có tác động xấu đến môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 2) Ít có tác động xấu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đưa ra các công cụ quản lý phù hợp;

- Bổ sung thủ tục thẩm tra nội dung báo cáo ĐTM đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo như quy định của pháp luật về xây dựng, để: (i) nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM, cơ quan tư vấn lập báo cáo ĐTM và chủ dự án biết trách nhiệm phải thực hiện công tác BVMT ngay từ khi lập dự án; (ii) tăng cường tính phản biện độc lập của tổ chức thẩm tra có đủ điều kiện để tư vấn cho chủ dụ án lựa chọn các giải pháp BVMT phù hợp, hiệu quả; (iii) làm căn cứ và tư vấn thêm cho cơ quan có thẩm quyền khi xem xét thẩm định báo cáo ĐTM để lựa chọn được các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp, đáp ứng yêu cầu BVMT, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, đồng thời nâng cao chất lượng của công tác thẩm định báo cáo ĐTM, đặc biệt là các lĩnh vực đặc thù;

- Đưa ra 2 phương án về phân cấp thẩm định ĐTM của các Bộ theo hướng: Phương án 1 - giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của mình; Phương án 2 - chuyển thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM cho UBND cấp tỉnh. Hiện nay, rất nhiều bộ, ngành chưa có cơ quan tham mưu về BVMT nên việc thẩm định rất khó khăn. Mặt khác, các dự án do các bộ, ngành quyết định đầu tư hiện nay là các dự án đầu tư công rất ít như xây dựng trụ sở, cải tạo công trình hiện có (hầu hết các dự án đã chuyển giao cho cơ quan quản lý vối nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và các dự án này do Ủy ban nhân dân các cấp cấp phép xây dựng. Bộ TN&MT đề nghị lựa chọn theo Phương án 2 để bảo đảm thống nhất;

- Bỏ kế hoạch BVMT đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vì hiện nay việc xác nhận kế hoạch BVMT của cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện ít hiệu quả, hình thức, tốn kém nguồn lực của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp; việc xác nhận này không kiểm soát được việc đầu tư công trình xử lý chất thải của chủ dự án, cơ sở. Do đó, dự thảo Luật đề xuất bỏ quy định “tiền kiểm” về xác nhận kế hoạch BVMT và thay vào đó là“hậu kiểm” bằng giấy phép môi trường, đồng thời kiểm soát được chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có dự án bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đối tượng này giao UBND cấp huyện cấp. Quy định này sẽ hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở nhỏ nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các cơ sở này sẽ phải có công trình xử lý nước thải tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng do Bộ Xây dựngban hành;

- Bỏ thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM và sửa đổi việc thẩm định báo cáo ĐTM theo hướng báo cáo ĐTM do chủ dự án lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thẩm định chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép khai thác khoáng sản,.... Người quyết định đầu tư sẽ tự phê duyệt các nội dung BVMT cùng với phê duyệt dự án đầu tư theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đầu tư, xây dựng và phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Quy định cơ chế khuyến khích các dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và áp dụng thực hành môi trường tốt nhất (BEP), cụ thể: các dự án áp dụng BAT thì được miễn ĐTM, các dự án áp dụng BEP thì việc thẩm định theo hình thức đơn giản là lấy ý kiến, bảo đảm thông thoáng, đơn giản thủ tục hành chính;

- Đưa các nội dung đã được quy định, áp dụng ổn định và hiệu quả trong các Nghị định lên Luật để bảo đảm khi Luật ban hành có thể triển khai được ngay và giảm điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết như nội dung, thời hạn thẩm định.

Dự kiến, nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Trần Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động