Bắc Ninh: Tập trung xử lý vấn đề môi trường tại Cụm công nghiệp Phú Lâm
CCN Phú Lâm được hình thành năm 2002, phát triển tự phát từ làng nghề trước đây, hiện có diện tích 29,54 ha với 27 cơ sở sản xuất nằm trong CCN và 8 cơ sở ngoài CCN. Vì hoạt động tự phát, nên CCN Phú Lâm không có chủ đầu tư hạ tầng, không bảo đảm các tiêu chí và thực hiện đúng quy định về môi trường. Tình trạng nước thải, khí thải, rác thải xả bừa bãi thường xuyên tiếp diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Tiên Du thành lập 5 Đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất tại CCN Phú Lâm trong chấp hành pháp luật về môi trường, tiến hành xử phạt cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng (trong đó, đình chỉ hoạt động sản xuất từ 4,5 - 9 tháng 15 cơ sở). Đồng thời, thực hiện niêm phong hoạt động của nguồn phát sinh chất thải đối với 4 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm. Ngoài ra, nhiều cơ sở còn có các sai phạm khác về đất đai, an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy bị xử lý…
Vì hoạt động tự phát, nên CCN Phú Lâm không có chủ đầu tư hạ tầng, không bảo đảm các tiêu chí và thực hiện đúng quy định về môi trường. (Ảnh: Trần Tuấn) |
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về tăng cường giải quyết ô nhiễm môi trường CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du đang tích cực vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo cơ sở sản xuất thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế xử lý nước thải. Lộ trình đặt ra để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường và những bất cập tại CCN Phú Lâm gồm 2 giai đoạn: Đến ngày 31-12-2024, các doanh nghiệp nằm ngoài CCN phải dừng hoạt động; đến ngày 31-12-2029, doanh nghiệp trong CCN phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình. Qua ghi nhận, tới nay, 100% các cơ sở nằm ngoài CCN đã dừng hoạt động nhưng chưa di dời xong máy móc, nhà xưởng. Nắm bắt những khó khăn trong quá trình thực hiện, UBND huyện Tiên Du đã tổ chức buổi đối thoại với sự tham dự của tất cả các cơ sở sản xuất trong CCN Phú Lâm để lắng nghe và cùng tháo gỡ vướng mắc.
Là người đầu tiên đại diện cho các cơ sở lên tiếng, ông Lương Quốc Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường xanh Kinh Bắc cũng là Phó Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang bày tỏ: “Chúng tôi cảm ơn UBND huyện Tiên Du tổ chức hội nghị đối thoại, thể hiện tinh thần chia sẻ của các cấp chính quyền với người dân. Về cơ bản, chúng tôi đồng thuận chủ trương dừng hoạt động CCN Phú Lâm của tỉnh, huyện, song thời gian qua, chúng tôi khá băn khoăn khi triển khai các nội dung, phần việc vì đây là nghề tạo giá trị kinh tế và thu nhập cho hàng trăm lao động suốt mấy chục năm qua. Chúng tôi mong muốn, các cấp, ngành tạo điều kiện gia hạn thời gian di dời máy móc, nhà xưởng; có chính sách hỗ trợ lãi suất trong thời gian thực hiện lộ trình để các cơ sở chi trả khoản vay đầu tư trước đó”.
Cùng chung nguyện vọng, ông Ngô Hữu Phương, Giám đốc Công ty Sản xuất giấy và bao bì Phương Đông cho biết thêm, thực chất, nghề làm giấy không hề ô nhiễm, nhưng cách các doanh nghiệp sử dụng công nghệ và quy trình sản xuất như thế nào mới là yếu tố tạo ra sự nguy hại. “Tôi vừa đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất giấy ở huyện Nho Quan, Ninh Bình theo mô hình thân thiện với môi trường, quy mô 600 tấn/ngày, mỗi năm 170.000 tấn, được chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ. Tại Phú Lâm, đây là nơi gia đình tôi sinh sống, cộng đồng doanh nghiệp làm giấy gắn bó đã lâu, chúng tôi rất mong muốn tỉnh bố trí quỹ đất, giới thiệu địa điểm để doanh nghiệp đầu tư, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về môi trường, thay áo mới cho nghề sản xuất giấy nơi đây” - ông Phương bày tỏ.
Cùng các cơ quan chuyên môn giải đáp những ý kiến, thắc mắc, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Đại Đồng khẳng định quan điểm của tỉnh, huyện là kiên quyết chấm dứt sản xuất tại các làng nghề theo công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, CCN Phú Lâm được xác định nằm trong quy hoạch phát triển thương mại, đô thị, vì vậy, phải thực hiện đúng lộ trình dừng hoạt động CCN vào cuối năm 2029. Trên tinh thần cầu thị, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nêu cao trách nhiệm, tự giác thực hiện khắc phục vi phạm, tồn tại, vì sự phát triển chung của tỉnh, huyện trong giai đoạn mới. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần nghiên cứu áp dụng, đầu tư công nghệ chuyên sâu trong xử lý nước thải, khí thải bảo đảm các yêu cầu về môi trường và nhất là chuyển đổi mô hình sản xuất theo đúng lộ trình. Các cơ quan, phòng ban liên quan thường xuyên bám sát việc thực hiện lộ trình, kịp thời tham mưu giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Huyện ủy, UBND huyện Tiên Du cam kết, luôn đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.