Cà Mau: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đường bộ tạo tiền đề cho thu hút đầu tư
Một góc thành phố Cà Mau. |
Với quan điểm đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là sự nghiệp của toàn dân, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 13/04/2022 về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nhiều vấn đề còn tồn tại - nỗ lực vượt qua thách thức
Theo Sở Giao thông Vận tải Cà Mau, hệ thống giao thông đường bộ đang từng bước được đầu tư mới, nâng cấp và nối liền với các tuyến Quốc lộ, nối liền trung tâm hành chính tỉnh với trung tâm hành chính huyện, xã. Ngoài 05 tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh (Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, Quản Lộ Phụng Hiệp, Hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi), tỉnh đã triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Bờ Nam sông Ông Đốc, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, đường Trục chính Đông - Tây... góp phần hình thành những hành lang vận tải chính phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, con số cụ thể cũng mới chỉ có khoảng 220km đường quốc lộ (chiếm 1,46% tổng chiều dài), đường tỉnh lộ là khoảng 337km (chiếm 2,24% tổng chiều dài). Bình quân, mật độ giao thông đường bộ quốc lộ là 0,22 km/1.000 dân và 0,042 km/km2 (so với khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long là 0,07 km/km2); mật độ giao thông đường tỉnh đạt 0,34 km/1.000 dân và 0,065 km/km2 (so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 0,12 km/km2).
Ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, nhận định: “Ðiều này cho thấy sự liên kết giữa các huyện trong tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào một số tuyến đường độc đạo, tỷ lệ chia sẻ lưu lượng còn hạn chế. Việc kết nối đường bộ chủ yếu là tới các điểm dân cư tập trung, còn việc vận chuyển, thu gom hàng hoá từ các khu vực sản xuất/thu hoạch nông sản thì lại phân tán và chủ yếu bằng đường thuỷ nội địa. Dù vậy, khả năng kết nối để chia sẻ, hỗ trợ giữa hai loại hình vận tải thuỷ - bộ thông qua các đầu mối giao thông vận tải còn nhiều hạn chế do hệ thống cảng thuỷ nội địa, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, kho bãi hàng hoá chưa được quan tâm và đầu tư một cách có hệ thống…” |
Bên cạnh đó, về hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau đáp ứng nhu cầu khai thác dòng tàu bay cỡ lớn (sân bay hạng 4C) kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1; sớm có chủ trương xây dựng tuyến cao tốc đến vùng ven biển huyện Ngọc Hiển, kêu gọi và khai thác Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, hạ tầng giao thông chính là điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến phát triển của tỉnh trong nhiều năm liền, nhất là kinh tế biển, thế mạnh của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cần tạo điều kiện vực dậy và khai thác hiệu quả hơn.
Bộ, ban ngành đồng hành - chung tay mở nút thắt
Thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành, Nghị quyết 03 khẳng định, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt, kết hợp huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, thực hiện đa dạng hoá phương thức đầu tư, vốn đầu tư công là “vốn mồi” theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối cao, có tác động lan toả, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, để các hoạt động thu hút, mời gọi đầu tư trong thời gian tới được đồng bộ, thông suốt, Cà Mau mong muốn Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030. Từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hướng các giá trị mới cho tỉnh Cà Mau trong thời kỳ quy hoạch.
Cảng hàng không Cà Mau. |
Vào trung tuần tháng 5/2023, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về kiểm tra tiến độ các công trình ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh, tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu của tỉnh Cà Mau.
Hãy thay đổi cách nhìn về Cà Mau để làm động lực phát triển. Không nhìn Cà Mau là điểm cuối để về sau mà là điểm đầu, mở ra xu thế hội nhập, đó là cảng biển, đó là sân bay, cần tháo gỡ mang tầm nhìn chiến lược để phát triển nhanh, bền vững. Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở trong thời gian qua diễn biến phức tạp, địa phương đã đầu tư xây dựng hoàn thành 56,7 km kè bảo vệ với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Tuy nhiên mức độ sạt lở và thiệt hại do sạt lở vẫn còn nhiều tiềm ẩn, sạt lở bờ biển làm mất hơn 5.200 ha rừng ven biển, sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà… tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng. Do đó, cần khẩn cấp xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ biển, nếu làm chậm, Cà Mau sẽ mất thêm đất đai và rừng phòng hộ nhiều hơn, khó khả năng phục hồi, bù đắp.
Do vậy, Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ đạo các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới… Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan trong đoàn công tác của Chính phủ tổng hợp đầy đủ, sau buổi làm việc phải có báo cáo cụ thể đến cấp trên xử lý trong thẩm quyền bộ, ngành phụ trách, giúp Cà Mau tháo gỡ các khó khăn, nút thắt, điểm nghẽn để Cà Mau tăng nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng và phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Mũi Cà Mau. |
Ngày 09/6/2023, tại Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Cà Mau về một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Kết luận tại buổi làm việc, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương tỉnh Cà Mau huy động nguồn vốn đầu tư theo định hướng xã hội hóa, cho dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn cảng hàng không dân dụng cấp 4C. Và sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai.
Đối với các dự án như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau; Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Thì Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức rà soát, cập nhật điều chỉnh dự án và tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm bố trí nguồn vốn phù hợp, sớm triển khai dự án./.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.