Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng phát biểu ý kiến. |
Với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư.
Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý, hiến kế giúp Quảng Bình nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Quảng Bình.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu: Đến năm 2030 Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung; đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây.
“Sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh, tỉnh Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư. Đồng thời, cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực”, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: hai trung tâm động lực tăng trưởng; ba trung tâm đô thị; ba hành lang kinh tế; bốn trụ cột phát triển kinh tế và ba đột phá chiến lược.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình tiếp tục định hướng tăng cường mở rộng kết nối vùng thông qua việc phát triển thêm một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Theo đó, hệ thống đường cao tốc trong tương lai sẽ bao gồm trục cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km.
Hệ thống đường sắt, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay, sẽ có thêm các tuyến đường sắt mới như Vũng Áng - Mụ Gia - Thà Khẹc (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 - 2040)…
Về hệ thống cảng biển, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, cảng biển Quảng Bình thuộc Nhóm cảng biển số 2, là cảng biển loại II, gồm các khu bến: Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc - chuyên dùng phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La); Khu bến Sông Gianh và một số khu neo đậu tránh, trú bão khác…
Về đường hàng không, phương án phát triển Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc nội, có hoạt động bay quốc tế. Khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ được xem xét trở thành cảng hàng không quốc tế; sân bay cấp 4C; xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm…
“Để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại sẽ vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới”, Chủ tịch Trần Thắng bày tỏ.
Để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về chính sách thu hút đầu tư, Quảng Bình đã công khai, minh bạch những cơ chế, chính sách ưu đãi, những dự án ưu tiên đầu tư trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành. Quảng Bình là tỉnh thứ 9 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch khu chức năng… đã được phê duyệt và thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh làm cơ sở để thu hút đầu tư.
Trong thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch góp phần thúc đẩy du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; khuyến khích kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo…. phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao….
Về các đối tác thu hút đầu tư, Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, đầu tư ổn định và lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Đối với các dự án đầu tư trong nước, Quảng Bình ưu tiên thu hút những tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics...
Với các doanh nghiệp địa phương, tỉnh Quảng Bình có chính sách khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, quy hoạch xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Phó thủ tướng đánh giá, tỉnh Quảng Bình rất quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ chín trong toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh.
“Đây là cơ sở để Quảng Bình tiếp tục tiển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết nêu trên. Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, khắc phục những hạn chế chồng chéo với các quy hoạch trước đây”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Phó thủ tướng lưu ý, việc xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi phải rất khẩn trương. Do đó, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách thiết thực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu “Tỉnh cần đẩy mạnh đột phá với 4 trụ cột phát triển, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược”.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Bình sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư 3.129 tỷ đồng (khoảng 0,14 tỷ USD). Đồng thời, ký kết 24 biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực: hạ tầng, thể thao du lịch, công nghiệp - khoáng sản, bất động sản với tổng vốn đăng ký 45.843 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD).
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.