Đà Lạt: Biến lá dâu tây từ phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ bảo vệ môi trường

02/08/2024 07:50 Phát triển Công nghiệp môi trường
Vừa qua, Hội Nông dân Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xây dựng Mô hình “Thu gom, xử lý rác rau, hoa làm phân bón hữu cơ sinh học” trên các vùng nông nghiệp trọng điểm. Thay vì vứt bỏ bên bờ, lá dâu tây được thu gom, xử lý trở thành phân bón hữu cơ tái phục vụ sản xuất mang lại “lợi ích kép” về hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đà Lạt: Biến lá dâu tây từ phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ bảo vệ môi trường
Mô hình thu gom phụ phẩm rau, hoa ủ thành phân hữu cơ tại các khu vực sản xuất tập trung của thành phố Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt là vùng canh tác dâu tây nổi tiếng, sản phẩm dâu tây cung cấp cho thị trường cả nước, dâu tây còn là đặc sản được du khách ưa thích mỗi khi đến Đà Lạt. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, để cây dâu tây cho trái, hàng tháng chủ các vườn dâu phải thuê người tỉa lá để dồn sức cho cây ra hoa và trái.

Nhiều năm qua, lá dâu được vứt bỏ một góc trong nhà kính hoặc bên bờ ruộng gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguồn bệnh cây trồng. Do đó, Hội Nông dân Thành phố Đà Lạt triển khai mô hình ủ lá dây tây với chế phẩm vi sinh và mật rỉ đường để biến thành phân hữu cơ. Sau khi tỉa lá dâu tây, nông dân gom lại tại 1 địa điểm và được các chuyên gia hướng dẫn ủ thành phân.

Cụ thể, Hội Nông dân Thành phố Đà Lạt hướng dẫn nông hộ thực hành mô hình 8 bước: chuẩn bị địa điểm; thu gom phụ phẩm cây trồng; chuẩn bị dung dịch chế phẩm sinh học; chuẩn bị ống thông khí vào đống ủ; xếp lớp phụ phẩm cây trồng thành đống và tưới chế phẩm sinh học; che phủ đống ủ; kiểm tra độ ẩm ủ hàng tuần; thu hoạch phân ủ đã hoai mục. Trong đó, tỷ lệ 250 g chế phẩm sinh học dùng với 0,5 lít rỉ mật và 25 lít nước. Chất đống các phụ phẩm cây trồng thành từng lớp 25 - 30 cm, mỗi lớp cao ngang chiếc ủng. Sau mỗi lớp, tưới dung dịch chế phẩm sinh học. Trong khi xếp lớp, chèn cọc tre đục lỗ đường kính khoảng 5 cm, chiều dài 6 - 8 m. Chất phụ phẩm thành đống giàn ngang đều, bề mặt phẳng để nước dễ dàng thấm xuống khi tưới. Che phủ đống ủ đã chèn cọc tre bằng bạt hoặc nilon để tránh nước mưa. Không cần che phủ quá kín để đảm bảo không khí có thể lưu thông. Kiểm tra độ ẩm hàng tuần, nếu luống ủ quá khô, hãy thêm một ít nước. Sau khoảng 2,5 tháng, nếu phân ủ có màu nâu đen hoàn toàn tơi xốp thì đã sẵn sàng để sử dụng…

Mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp mà Hội Nông dân Thành phố Đà Lạt đang thực hiện dựa theo tài liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai “Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Việc thu gom, xử lý rác rau, hoa, dâu tây làm phân bón hữu cơ sinh học đem lại lợi ích kép, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Trong 4 tháng qua, Hội Nông dân Thành phố Đà Lạt đã hướng dẫn 73 nông hộ thực hiện ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, mỗi nông hộ thu gom phụ phẩm cây trồng trên diện tích từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 để ủ thành phân hữu cơ. Từ nay đến cuối năm 2024, Hội tiếp tục hướng dẫn cho hơn 60 nông hộ được chọn tiếp tục xây dựng mô hình biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động