Đà Nẵng: Tăng cường đầu tư trong hoạt động bảo vệ môi trường
Tăng cường đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường để tiếp tục kiên định với mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”
Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất của Việt Nam tiên phong phát triển theo định hướng “Thành phố môi trường”. Đảng bộ, Chính quyền thành phố xác định bảo vệ môi trường là nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều nội dung trong Đề án "Xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030" trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái.
Đề án cũng đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường theo Đề án phê duyệt năm 2008. Đề án cũng nhấn mạnh phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp, vùng ven biển và các khu vực cảnh quan tự nhiên; đảm bảo chất lượng môi trường nước, đất, không khí theo quy chuẩn...
Thực hiện Đề án này, Đà Nẵng đã chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành ở các địa phương. Một số dự án hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực từ bên ngoài đã và đang được triển khai với kết quả khả quan, tạo được tác động tích cực đối với công tác quản lý môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, hành động về bảo vệ môi trường của người dân.
Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện Đề án với hơn 88 nhiệm vụ được triển khai trong năm 2022, tương ứng với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, nguồn lực tài chính hơn 3.418 tỷ đồng (tính trong năm 2022 và chưa kể các dự án quốc tế tài trợ).
Tăng cường đầu tư trong hoạt động bảo vệ môi trường là điều kiện tiêu quyết để đưa Đảng Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” |
Bên cạnh đó thành phố đã hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị; lắp đặt và vận hành chuyển giao công nghệ 1 trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ trên địa bàn huyện Hòa Vang; triển khai áp dụng 3 mô hình quản lý năng lượng ISO 50001:2018 cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Thành phố đã lắp đặt 16 trạm quan trắc tự động với khoảng 130 vị trí để theo dõi tình hình môi trường nước, không khí, đất và trầm tích.
Thành phố cũng xác định các vấn đề, điểm nóng về môi trường trên địa bàn để kêu gọi nguồn lực đầu tư, tập trung cải thiện. Tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố đã triển khai khai các gói thầu xây dựng các hạng mục nâng cấp cảng các, nạo vét âu thuyền (gần 100 tỷ đồng); xây dựng hệ thống xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 (hơn 1.447 tỷ đồng); nâng cấp, cải các hệ thống thu gom và một số hạng mục bảo vệ môi trường trong khu vực…
Đà Nẵng cũng đã xây dựng trạm xử lý nước thải, trạm trung chuyển chất thải rắn, thu hút đầu tư vào các nhà máy xử lý chất thải rắn, khu xử lý chất thải nguy hại… để tiếp tục cải thiện quy trình xử lý nước thải.
Trong giai đoạn 2021 - 2022, các đơn vị, Sở, ngành đã tuần tra, thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường với số tiền 420 triệu đồng; lắp đặt 74 camera giám sát, quản lý và xử lý các hành vi xả rác, nước thải vào khu vực Âu thuyền và chợ cá Thọ Quang; xoá bỏ 829 lồng bè nuôi cá, nghêu trái phép gây ô nhiễm; hoàn thành và vận hành khai thác 2 trạm trung chuyển rác thải tại Lê Thanh Nghị và Sơn Trà…
Thời gian qua, Thành phố đã nỗ lực huy động nguồn lực, tìm nhiều giải pháp, thay đổi cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Từ các kết quả đã đạt được cũng như định hướng trong thời gian tới, có thể thấy rằng Đà Nẵng đã đi đúng hướng và tiếp tục kiên định với các mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”.
Tiếp tục tăng cường đầu tư, xử lý đồng bộ hệ thống thu gom nước thải
Theo thống kê, tổng lượng nước thải sinh hoạt từ khu vực thành phố là gần 900.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải đang vận hành mới khoảng 284.300 m3/ngày đêm (tức chỉ có khoảng 1/3 khối lượng nước thải được xử lý).
Nhiều nhà máy, trạm xử lý tại thành phố Đà Nẵng gặp phải tình trạng vừa thừa, cũng lại vừa thiếu khi mùa khô thì lượng nước đầu vào lại không đủ cho nên công suất của các trạm xử lý hoạt động cầm chừng, nhỏ giọt gây lãng phí, còn về mùa mưa thì lại quá tải khi lượng nước đổ về lại quá nhiều không thể xử lý kịp nên nguồn nước ô nhiễm sẽ trôi theo kênh chảy thẳng ra biển gây ra những hệ lụy khôn lường.
Nằm trong kế hoạch nâng cao năng lực bảo vệ môi trường của thành phố, mới đây Đà Nẵng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Chương Dương với tổng mức đầu tư hơn 114,7 tỷ đồng từ vốn ngân sách Thành phố, được triển khai trên diện tích 1,84 ha và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025. Tuyến ống thu gom nước thải có chức năng thu gom nước thải các khu đô thị, khu dân cư dọc đường Chương Dương đoạn từ cầu Tiên Sơn đến khu vực quy hoạch dự án Công viên văn hóa lịch sử quận Ngũ Hành Sơn với khả năng thu gom gấp 2,5 lần lưu lượng nước thải trung bình hiện nay nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Đà Nẵng triển khai đồng bộ đầu tư hệ thống thu gom nước thải dọc sông Hàn |
Các hạng mục dự án gồm tuyến ống tự chảy, tuyến ống áp lực, hạng mục cấp điện cho các trạm bơm... Dự án được triển khai trên tổng diện tích 1,84ha với tổng mức đầu tư 114,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Dự án này đảm bảo việc thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, khắc phục tình trạng nước thải tràn ra sông Hàn gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng đời sống cho dân cư sinh sống trong khu vực nói riêng và thành phố nói chung. Đây cũng là Dự án nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống thu gom nước thải của thành phố tiếp sau Dự án Tuyến thu gom nước thải đường 2/9 đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long được triển khai vào tháng 2/2022.
Bên cạnh đó, nhằm hoàn thiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, ngoài việc đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng cơ chế, chính sách thì tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường cũng là nội dung thành phố đang tích cực triển khai.
Thành phố lấy việc tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường là một trong bốn giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đặt ra. Thành phố đã triển khai tổ chức nhiều Hội thảo, Hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng nguồn nhân lực trong bảo vệ môi trường qua đó tìm ra các giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác bảo vệ môi trường.
Thành phố cũng tăng cường đầu tư chuyển giao các mô hình mới, hiệu quả trong bảo vệ môi trường cho các địa phương thông qua các buổi tập huấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Có thể nhận thấy rằng, công tác bảo vệ môi trường ở Đà Nẵng đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thành công đó xuất phát từ sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền thành phố cũng như những bước đi đúng đắn, hiệu quả trong công tác đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.