Để Yên Phong xứng đáng là “thủ phủ công nghiệp” của tỉnh Bắc Ninh

09/09/2024 08:00 Kinh tế, xã hội
Để về đích thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025, duy trì vị trí dẫn đầu về phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và vươn lên trở thành thành phố trong tương lai gần, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, các khu công nghiệp (KCN) của huyện Yên Phong hiện có hơn 156 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký đầu tư; tổng số lao động hơn 85.000 người, trong đó, hơn 17.000 lao động người Bắc Ninh (địa phương có hơn 8.000 lao động), hơn 1.000 lao động người nước ngoài; cụm công nghiệp (CCN) đa nghề Đông Thọ có 41 doanh nghiệp thuê đất, 36 doanh nghiệp đang sản xuất, tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, thu hút hơn 6.000 lao động… đây thực sự là những con số ấn tượng, cho thấy một Yên Phong năng động, hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Chí Cường: Tận dụng lợi thế nằm ở “ngã năm, mặt tiền” tiếp giáp Sân bay quốc tế Nội Bài, điểm nút giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Yên Phong tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từ đất đai, giao thông, coi đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Để Yên Phong xứng đáng là “thủ phủ công nghiệp” của tỉnh Bắc Ninh
Nhà máy Samsung Bắc Ninh ở KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Với quyết tâm cao trong lãnh, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phục hồi sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai nhanh các dự án trọng điểm về xây dựng KCN, CCN như: KCN VSIP Bắc Ninh II, KCN Yên Phong II-C, II-A, KCN Yên Phong I mở rộng… nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Lũy kế đến nay, tổng diện tích các KCN theo quy hoạch là 1.309,7 ha; diện tích đã thu hồi 1.213,8 ha; đã giao 1.090,6 ha; tổng diện tích quy hoạch CCN làng nghề Trung Nghĩa- Đông Thọ, CCN Yên Trung - Đông Tiến, Yên Trung- Thuỵ Hoà, Mẫn Xá - Văn Môn và CCN đa nghề Đông Thọ 181 ha; diện tích đã thu hồi 134,6 ha; đã giao 84,7 ha. UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để tháo gỡ nhanh những vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, lập phương án bồi thường, hỗ trợ trong thu hồi đất, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết để thực hiện khu thiết chế của công đoàn tại KCN Yên Phong, tổng diện tích 4,28 ha trên địa bàn xã Thụy Hòa và xã Yên Trung.

“Chúng tôi đang tập trung khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, con người, vị trí, địa lý, giao thông thuận lợi, vững vàng các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xứng đáng là “thủ phủ công nghiệp của tỉnh” - Chủ tịch Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Yên Phong còn có lợi thế là nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh đi qua địa bàn. Đây sẽ là động lực lớn để đưa Yên Phong phát triển toàn diện, bắt nhịp hội nhập, trở thành thành phố trong tương lai gần.

Xác định rõ giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, thực hiện sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, Yên Phong tập trung cao cho công tác GPMB phục vụ xây dựng các dự án giao thông. Huyện đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh và các dự án do huyện làm chủ đầu tư, như: ĐT. 295 đoạn từ nút giao ĐT. 295 với QL.18 đến ĐT 285B; đường nối từ đê sông Cầu đi KCN Yên Phong I mở rộng; các tuyến đường ĐT.295C, ĐT.285B, kết nối thành phố Bắc Ninh qua các KCN với QL.3 mới, ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4...

Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng cầu Nét, đoạn Yên Phong - thành phố Từ Sơn, sau 4 năm triển khai, song do vướng mặt bằng các hộ dân thuộc phía đầu cầu của huyện. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, đến nay các hộ dân đã đồng thuận tháo dỡ công trình, bàn giao đất cho dự án tiếp tục thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Yên Phong cũng thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá sự phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và bổ sung thông tin của các dự án điều chỉnh, bổ sung vào danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh… coi đó là “kim chỉ nam” cho sự phát triển bền vững của huyện.

Với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo huyện, sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, tăng trưởng kinh tế của huyện thực sự khởi sắc. Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm đạt 10.593,6 tỷ đồng, tăng 1,9 % so với cùng kỳ năm 2023; giải ngân 84.689 triệu đồng, đạt 47% kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2024. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của huyện, bằng việc ký Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị với Chính quyền thành phố Cheongju, Hàn Quốc. Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, giao lưu, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, giáo dục, văn hóa, xã hội..., đưa Yên Phong thực sự là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế-xã hội chung của tỉnh Bắc Ninh.

Dương Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động