Điện Biên tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 953.992,6 ha. Tỉnh Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, gồm các loại chính như: Nước khoáng, than mỡ, đá vôi, đá đen, đá granit, quặng sắt và kim loại màu,… nhưng trữ lượng thấp và nằm rải rác trong tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã xác định được 32 điểm quặng sắt và kim loại, 14 điểm mỏ than, trong đó có 2 điểm đã được đánh giá trữ lượng cấp C1 và nhiều điểm khoáng sản vật liệu xây dựng, nước khoáng… nhưng chưa được thăm dò đánh giá sâu về trữ lượng và chất lượng.
Với mục tiêu phát triển bền vững, nhiều năm qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, ưu tiên sàng lọc, loại trừ các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong quá trình khai thác, các chủ dự án đã thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ.
![]() |
Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Minh Quý khai thác đá ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. |
Tuy nhiên tình trạng khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi…) vẫn xảy ra tại địa bàn một số xã của Điện Biên. Đơn cử năm 2022, chính quyền xã Mường Tùng - huyện Mường Chà phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một số trường hợp khai thác cát trái phép tại khu vực bãi ruộng Pá Quai, bản Nậm He; Năm 2023, huyện Mường Chà tiếp tục phát hiện và ngăn chặn 2 vụ khai thác cát trái phép tại xã Ma Thì Hồ và xã Sá Tổng, xử lý vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 10 triệu đồng… Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Điện Biên đã phát hiện và xử lý 8 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 919 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ðể nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản, hoạt động giám sát của HÐND tỉnh, Thường trực HÐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đối với các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng. Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2020 - 2022”. Giám sát thực tế tại các điểm mỏ tại địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên và Mường Chà, đoàn giám sát đã phát hiện nhiều hạn chế như: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và sự phối hợp giữa các ngành và địa phương về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên; công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, xin ý kiến các bộ, ngành có nội dung còn chậm; một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong quá trình sử dụng đất được giao, còn có hiện tượng tập kết nguyên vật liệu sản phẩm ngoài phạm vi mỏ…
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra kiểm soát nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả tài nguyên khoáng sản; kiểm tra chặt chẽ các thủ tục, không để thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thoát nguồn thu ngân sách. Các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, rà soát các mỏ khoáng sản đã cấp phép, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về khoáng sản để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm…
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO