Hà Nam coi trọng công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam |
Phóng viên: Xin chàoông Hoàng Chí Dũng, xin ông cho biết một số chỉ tiêu nổi bật về hoạt động Công nghiệp - Thương mại của tỉnh trong năm vừa qua?
Ông Hoàng Chí Dũng: Năm qua do tình hình bất ổn ở một số khu vực trên Thế giới vẫn còn diễn ra, nhiều nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, thậm chí có nguồn cung còn bị đứt gãy, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chung... Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh, hoạt động Công nghiệp – Thương mại của Hà Nam vẫn có nhiều niềm vui. Trong lĩnh vực Công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 ước đạt 201.712,9 tỷ đồng, tăng 14,8% so với thực hiện năm 2022, đạt 101,8% so với kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,5%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,1%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,9%; sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%. Về lĩnh vực Thương mai, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 47.428,5 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2022, bằng 99,4% kế hoạch năm; Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 7.542,3 triệu USD, tăng 35,8% so với năm 2022, bằng 117,8% kế hoạch năm; Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 6.281,5 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022, bằng 113% kế hoạch năm.
Phóng viên: Xin ông cho biết về tình hình phát triển các cụm công nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh?
Ông Hoàng Chí Dũng: Trước năm 2009, khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương quy định chung về công tác quản lý đối với cụm công nghiệp, việc quản lý cụm công nghiệp, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng đến quản lý sau đầu tư là do các tỉnh/thành phố quy định riêng. Trong bối cảnh đó, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam được thành lập với mục đích tạo mặt bằng cho các cơ sở sản xuất thuộc diện giải tỏa, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chật chội phải di dời ra khỏi khu dân cư; nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, do kinh phí ở mức hạn hẹp nên hạ tầng cụm công nghiệp đều chưa đầy đủ. Cũng ở giai đoạn này, các cụm công nghiệp hầu như không có doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý; hầu hết các cụm đều do UBND cấp huyện quản lý, nơi thì thành lập trung tâm phát triển cụm công nghiệp, nơi giao cho phòng Kinh tế hạ tầng phụ trách.
Từ khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Chính phủ về quy chế quản lý cụm công nghiệp được ban hành; sau đó được củng cố, nâng cao hiệu lực pháp lý bởi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thì công tác quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng được quan tâm hơn; đã chấn chỉnh được tình trạng phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây và thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp hoạt động.
Hiện nay, Hà Nam có 14 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích trên 300 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%;các CCN đều đã đi vào hoạt động ổn định, đã thu hút được 176 doanh nghiệp/hộ kinh doanh đăng ký với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 8.687 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện 5.452 tỷ đồng), thu hút được 11.881 lao động; doanh thu hàng năm đạt: 14.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 300 tỷ đồng, tiền thuê đất khoảng 15 tỷ đồng/năm. Trong đó, có 3 cụm đã có chủ đầu tư hạ tầng; nổi bật làCụm công nghiệp Bình Lục (xã Trung Lương, huyện Bình Lục) do Công ty CP Bình Mỹ làm chủ đầu tư. Với các cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, các chủ đầu tư cam kết triển khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ bản thu hút lấp đầy cụm công nghiệp ngay trong giai đoạn 2021-2025.
Phóng viên: Những khó khăn còn gặp trong quá trình quản lý các cụm công nghiệp là gì, thưa ông?
Ông Hoàng Chí Dũng: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định, các cụm công nghiệp đều phải có trạm xử lý nước thải tập trung; việc này cũng đang rất khó khăn với Hà Nam bởi trên địa bàn đa phần các cụm công đều hình thành trước năm 2009, quy mô các cụm khá nhỏ; các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong cụm đều ít xả thải; ngân sách nhà nước hạn hẹp; các chủ đầu tư hạ tầng không mặn mà với khu vực cụm công nghiệp này nên hầu như đều không có hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Nếu thực hiện đúng được theo quy định của luật là điều khó khăn với Hà Nam bởi ngân sách địa phương hạn hẹp, các cụm đều khó thu hút các nhà đầu tư hạ tầng,.., Nên chăng, chúng ta cần có quy định dành riêng cho các cụm công nghiệp thành lập trước năm 2009, sao cho việc quản lý được thuận lợi hơn.
Phóng viên: Trước tình hình của tỉnh và những quy định mới về bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp, Hà Nam sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Hoàng Chí Dũng: Để công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp được tốt hơn, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND, ngày 25/3/2020 về chủ trương ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm thu hút các chủ đầu tư vào tham gia đầu tư, nâng cấp, quản lý, vận hành các cụm công nghiệp đã hình thành trước đó.
Với các CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng, vấn đề xử lý môi trường đang được thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh (văn bản số 3605/UBND-TH ngày 02/12/2020) theo đó yêu cầu đối với các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án trong các CCN mà chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của dự án đạt tiêu chuẩn cột A, QCVN 40:2011/BTNMT khi thải ra môi trường.
Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiếp nhận, làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng để hoàn thiện hạ tầng (nhất là việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung) và duy tu bảo dưỡng, khai thác hạ tầng các CCN (đối với các CCN chưa có chủ đầu tư); Sở Công Thương sẽ phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong CCN kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nếu vượt thẩm quyền.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.