Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Quang cảnh buổi Hội nghị |
Chủ trì Hội nghị có Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG. Về phía tỉnh Bình Định có Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định dự và phát biểu tham luận tại hội nghị.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 16 tỉnh, hiện có hơn 3.200 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 24,53% tổng số thôn khó khăn của cả nước. Chương trình đã giúp phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, tưới tiêu phục vụ sản xuất, và các dịch vụ xã hội cơ bản. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình đạt 74,3%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%.
Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh Bình Định có 03 huyện miền núi gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão; có 22 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi và 7 thôn đặc biệt khó khăn của 5 xã, thị trấn không thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ năm 2022 đến 2024, tổng nguồn vốn được phân bổ cho Chương trình là trên 782 tỷ đồng. Đến 30/9/2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt 82,3%; vốn sự nghiệp đạt 49,4%. Sau 3 năm (từ năm 2022 đến nay), với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự chủ động của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các DTTS trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 4%/năm so với chỉ tiêu là giảm 3% - 4%/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội nghị |
Để thực hiện tốt Chương trình trong giai đoạn 2026 - 2030, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm điều chỉnh giảm lại số lượng Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần và xem xét để lồng ghép, sắp xếp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho phù hợp để dễ triển khai thực hiện. Đồng thời, quan tâm tăng nguồn lực phân bổ về địa phương, tăng phần vốn đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn đến; mở rộng đối tượng thực hiện Chương trình đối với một số dự án cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong 3 năm; tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng đề nghị cần có cơ chế thông thoáng và chính sách đủ mạnh để tăng cường hấp dẫn, thu hút đầu tư các doanh nghiệp và tăng cường năng lực các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn để giúp đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn II (2026 – 2030), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát, triển khai dự án, chủ động quyết định các chính sách cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai, bảo đảm phù hợp mục tiêu chung của Chương trình và điều kiện thực tiễn.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng của địa phương, đổi mới sáng tạo và đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu chính là giảm nghèo nhanh, thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập so với bình quân cả nước, giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của sự đồng lòng giữa các cấp chính quyền và cộng đồng là chìa khóa quyết định trong việc thực hiện Chương trình, nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.