Huy động nguồn lực thích ứng biến đổi khí hậu

24/06/2019 11:37 Tăng trưởng xanh
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL về thích ứng với biến đối khí hậu, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi cơ bản, khoác lên mình “diện mạo” mới.

Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề “sống còn” của khu vực. Trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 120, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, các tỉnh/thành phố thuộc ĐBSCL đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để quản lý tài nguyên nước hiệu quả theo lưu vực sông, ứng phó với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát trên đồng bằng và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Trung ương, các tổ chức quốc tế và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước, phòng chống thiên tai, bảo vệ bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững. Tổng mức đầu tư cần thiết cho các dự án phòng chống thiên tai và sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020 là 25.817 tỷ đồng; trong đó, 18 dự án và tiểu dự án với tổng ngân sách 20.660 tỷ đồng đã được bố trí vốn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Nhật Bản, vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng cho phát triển kinh tế và sinh kế bền vững trong thời gian trung hạn. Ngoài ra, còn 20 dự án chưa được bố trí nguồn vốn, với tổng mức đầu tư là 5.157 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với tổng số 169 công trình. Đặc biệt, năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hằng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để xử lý 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Xây dựng đập ngăn mặn trên các tuyến kênh, rạch. Ảnh: MH


Bộ TN&MT tập trung đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xâm nhập mặn, biến động bùn cát; đầu tư tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; triển khai dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL nhằm tích hợp và chia sẻ các nguồn dữ liệu ĐBSCL phục vụ hỗ trợ ra quyết định và nghiên cứu khoa học; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL; tăng cường quan trắc và nghiên cứu tình trạng hạ thấp mực nước ngầm và gia tăng sụt lún tại ĐBSCL, ban hành các chính sách nhằm hạn chế khai thác nước dưới đất, tránh suy thoái cạn kiệt nguồn nước mặt và nước dưới đất. Bộ TN&MT đã chủ động thực hiện một số nhiệm vụ, dự án khảo sát, thu thập thông tin để có cơ sở dữ liệu và giải pháp thích ứng với lún đất ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai một số nội dung về xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển như: Tổ chức các hội nghị hướng dẫn về giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL tại thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; chỉ đạo việc cắm biển cảnh báo những khu vực sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ sạt lở vùng ĐBSCL, đưa lên bản đồ trực tuyến; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý xói lở bờ biển như áp dụng cấu kiện bê tông cốt phi kim, khối bê tông trụ rỗng; tối ưu hóa các giải pháp đã triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả tại khu vực biển Tây Cà Mau.
Các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm ứng phó với tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển. Đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún.
Vẫn theo báo cáo của Bộ TN&MT, để có những kết quả đạt được trên đây, trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành còn gặp không ít khó khăn. Đó là, thông tin số liệu vừa thiếu vừa không đồng bộ, phân tán, thiếu tập trung thống nhất. Việc triển khai công tác quy hoạch tài nguyên nước của cả nước và của ĐBSCL còn chậm; việc xử lý các điểm sạt lở cấp bách chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, chưa có cơ chế hiệu quả huy động được nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa để xử lý sạt lở dẫn đến hiện tượng sạt lở, sụt lún đất không được đầu tư tổng thể, đồng bộ, chủ yếu ứng phó, đối phó với các vấn đề cấp bách. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách, nên kết quả đạt được đến nay chưa cao, gây lãng phí trong đầu tư.

Ngoài ra, đối với một số giải pháp công trình và phi công trình vẫn chưa mang lại hiệu quả. Nước sinh hoạt, sản xuất nhiều nơi còn phụ thuộc lớn vào nguồn nước dưới đất, do vậy làm gia tăng nguy cơ sụt lún đất.
Thúy Hằng – Xuân Phương
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động