Kế hoạch tham gia thị trường carbon của TP. Hồ Chí Minh

05/03/2024 08:05 Tăng trưởng xanh
Không chỉ đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, TP. Hồ Chí Minh còn kỳ vọng tạo được nguồn thu từ việc tạo, phát hành và bán tín chỉ carbon chất lượng cao trên thị trường tài chính carbon quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh đang xem xét đề xuất xây dựng các hạng mục ưu tiên và nguồn vốn đầu tư để sớm tham gia thị trường carbon của Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Kế hoạch tham gia thị trường carbon của TP. Hồ Chí Minh
Hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà được lắp đặt thử nghiệm ở Trụ sở trung tâm hành chính quận 4, TP. Hồ Chí Minh

Theo phương án đề xuất đầu tư “Dự án đô thị carbon thấp tại TP. Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực ưu tiên” của Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD (hơn 5.775 tỷ đồng), với 4 lĩnh vực thứ tự được ưu tiên.

Lĩnh vực ưu tiên thứ nhất là đầu tư, lắp đặt, thay thế hệ thống đèn đường từ dạng đèn sợi đốt sang đèn LED thông qua sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh. Cùng đó, đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho các tòa nhà công và trong khuôn viên các nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch... Cũng như đầu tư các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà hành chính công và nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch.

Theo tính toán của cơ quan quản lý, việc thay thế đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà công sở, không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh tiết kiệm điện năng, giảm phát thải CO2 (khoảng 1 triệu tấn CO2/ 10 năm), mà còn có thể tạo được nguồn thu lên 220 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon.

Chi phí dự án này khoảng 170 triệu USD, trong đó 150 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới (The World Bank Group - WBG) và 20 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.

Tiếp đó, ưu tiên thiết lập và triển khai vận hành cơ chế tín chỉ carbon. Cụ thể, hoàn thiện tài liệu hoạt động của dự án và các tài liệu thiết kế dự án để nộp cho tổ chức phát hành tín chỉ carbon quốc tế, thuê tư vấn thẩm định và xác minh, xây dựng kế hoạch chia sẻ lợi ích, báo cáo giám sát, tổng hợp giảm phát thải và nộp yêu cầu phát hành tín chỉ, đấu giá tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế… Chi phí dự tính 10 triệu USD, từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.

Lĩnh vực ưu tiên thứ 3 là thúc đẩy khối tư nhân đầu tư các giải pháp giảm phát thải thông qua tiếp cận thị trường carbon quốc tế. Góp phần kích thích các khoản đầu tư nhỏ và phân mảnh của khu vực tư nhân. Khoản hỗ trợ tài chính được chi trả dựa trên một kế hoạch chia sẻ lợi ích. Chi phí khoảng 40 triệu USD, trong đó 20 triệu USD từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, còn lại vay từ Ngân hàng thế giới.

Ưu tiên thứ 4 là hỗ trợ các công việc liên quan để thực hiện đầu tư các hạng mục thuộc 3 lĩnh vực ưu tiên trên, bao gồm các công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, tư vấn, quản lý dự án và các loại thuế. Chi phí dự kiến 30 triệu USD, sử dụng từ vốn đối ứng của TP. Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch đề xuất, toàn bộ các hạng mục ưu tiên trên chuẩn bị từ năm 2024 đến năm 2025. Năm 2026 bắt đầu triển khai thực hiện và đến năm 2030 sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng.

Thanh Hải

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động