5 nhóm vấn đề trong sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về môi trường và phát triển
Quang cảnh cuộc họp |
Dự và chủ trì cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada.
Sự kiện còn có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Hiệp hội Công nghệ thông tin điện tử Nhật Bản (JEITA), cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản…
Phát biểu khai , Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản là một khuôn khổ đối thoại chính sách thiết thực và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và các bộ, ngành Việt Nam.
Được khởi xướng từ năm 2003, đến nay đã trải qua 20 năm với 8 giai đoạn, Sáng kiến đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, qua đó thúc đẩy nguồn vốn đầu tư và công nghệ từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và từ các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam nói chung.
Các Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ký kết Biên bản ghi nhớ “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1” |
Trên cơ sở Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, hai bên đã thống nhất triển khai giai đoạn tiếp theo của sáng kiến này với tên gọi Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.
Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, qua 20 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã hoàn thành 8 giai đoạn, với tổng số 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục trong Kế hoạch hành động hai bên thực hiện, có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy nguồn vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và từ các quốc gia trên thế giới nói chung.
Tính lũy kế đến ngày 20/02/2024, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 5.288 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,3 tỷ USD, đóng vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Hai bên lựa chọn những nội dung có tính chiến lược, gắn với những vấn đề lớn đang được đặt ra, đồng thời yêu cầu phải có kết quả cụ thể để ứng dụng vào thực tế.
Giai đoạn 1 sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, bán dẫn); cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.
Thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai các cam kết trong kế hoạch hành động để mang đến thành công của sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1, nhằm hướng tới sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.