Sóc Trăng:

Lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi khai thác khoáng sản phục vụ dự án cao tốc

15/06/2023 12:51 Tăng trưởng xanh
Ngày 12/6, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kế Sách tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư xã Phong Nẫm và An Lạc Tây về việc khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Đến dự Hội nghị có đồng chí Từ Tố Quyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, địa phương.

Tại Hội nghị, đoàn công tác đã thông tin cụ thể về dự án cao tốc và kế hoạch khai thác mỏ cát. Theo đó, dự án cao tốc đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 58km, điểm đầu tại huyện Mỹ Tú (giáp với tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là huyện Trần Đề (giao với Quốc lộ Nam sông Hậu). Dự kiến cần 8 triệu m3 cát phục vụ cho dự án. Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 mỏ cát, trong đó, 2 mỏ cát trên địa bàn xã Phong Nẫm và An Lạc Tây sẽ do Công ty Cổ phần Bê tông Cửu Long làm chủ đầu tư. Trữ lượng khai thác tại các mỏ là 1.180.000m3, theo cam kết chủ đầu tư sẽ cung cấp 50% trữ lượng khai thác cung cấp cho dự án.

Trước khi tiến hành khai thác, ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, thực hiện đánh giá nguy cơ sạt lở và đưa ra các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu. Dự tính, công suất khai thác cát 295.000m3/năm, trung bình mỗi năm chiều sâu bị đào xuống thêm 0,6m. Khoảng cách từ khu vực khai thác đến hai bờ sông là hơn 200m.

Quang cảnh Hội nghị.
Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Nhằm đánh giá tác động đến môi trường, cũng như sinh kế của cộng đồng dân xung quanh các mỏ khai thác được sát với thực tế. Cũng tại Hội nghị lần này, đoàn công tác đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp, cũng như phản ánh của người dân về việc khai thác mỏ cát tại địa phương.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng cũng cho biết thêm, hoạt động khai thác cát sẽ được giám sát xuyên suốt trong thời gian khai thác, việc theo dõi diễn biến dòng chảy, giám sát đường bờ, nắm bắt thông tin bất thường, đánh giá nguy cơ sạt lở và các biện pháp ngăn ngừa sẽ được tiến hành chặt chẽ.

Thời gian khai thác cũng được quy định rõ, theo đó phương tiện khai thác không được khai thác vào ban đêm, trên phương tiện sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để theo dõi các dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển. Tại các nơi khai thác cát sẽ thành lập tổ giám sát cộng đồng với thành phần gồm đại diện cộng đồng dân cư khu vực, chính quyền, đoàn thể cấp xã để giám sát hành trình của phương tiện khai thác, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xây dựng bản đồ các điểm nhạy cảm đường bờ dọc theo khu vực mỏ. Khi có dấu hiệu sạt lở, ngành chức năng sẽ tiến hành xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân./.

Linh Nguyên - Trình Giang
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động