Nét riêng trong thu gom rác thải sinh hoạt ở Kiến Xương

29/06/2023 18:30 Địa phương
Rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó giải với nhiều địa phương nhưng đâu đó vẫn có những nét sáng trong công tác thu gom, xử lý rác thải. Tại Kiến Xương (Thái Bình), có một số mô hình đang triển khai với những nét riêng khá hiệu quả, đáng để chúng ta tìm hiểu, vận dụng.

Ưu tiên cho công tác thu gom rác thải

Xã Thanh Tân (Kiến Xương, Thái Bình) được xem là trung tâm cụm xã phía Tây Bắc của huyện Kiến Xương; nơi đây có hoạt động thương mại khá phát triển, các phương tiện tham gia giao thông luôn đông đúc; nhất là đầu giờ sáng và lúc tan tầm, mật độ giao thông, hoạt động buôn bán lại càng nhộn nhịp hơn. Mặc dù vậy, cảnh quan môi trường nơi đây vẫn luôn sạch đẹp, ai đi qua cũng đều trầm trồ ngợi khen.

Ông Trần Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Để giữ được cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp, chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về môi trường, vệ sinh môi trường tới người dân, cộng đồng dân cư. Việc tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức, như: truyền thanh, tuyên truyền tại các hội nghị, pano, áp phich. Bên cạnh đó, công tác thu gom rác thải sinh hoạt luôn thực hiện triệt để, kịp thời. Trên địa bàn xã hiện có một tổ thu gom và xử lý rác thải với 05 người và 01 chiếc ô tô vận chuyển; công tác thu gom được thực hiện thường xuyên nên không có tình trạng ùn ứ rác lâu ngày trong các khu dân cư. Hàng năm, UBND xã còn luôn dành một khoản kinh phí nhằm đưa hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương được thực hiện ổn định; ngân sách xã chi vào công tác môi trường chủ yếu dành cho một số việc, như: mua sắm đồ bảo hộ, sửa chữa xe, mua BHYT cho công nhân môi trường, thuê máy xúc để chôn lấp rác khi cần,...

Ông Phạm Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Vũ An chia sẻ: Để hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phấn đấu các tiêu chí còn lại, trong đó có tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc thực hiện tốt vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường bằng nhiều hình thức, qua nhiều hội nghị; thường xuyên chỉ đạo các thôn, hôi doàn thể chú trọng tới công tác phân loại rác thải tại nguồn.

Nét riêng trong thu gom rác thải sinh hoạt ở Kiến Xương
Hội nghị tập huấn về phân loại rác tại xã Vũ An (Kiến Xương)

Một người dân xã Vũ An bộc bạch: Vừa qua, tôi được tập huấn về phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, được giảng viên truyền đạt, hướng dẫn các kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, xử lý rác thải nông nghiệp. Theo đó, rác thải sinh hoạt của các hộ dân phải được phân loại ngay tại gia đình khi còn chưa bị phân hủy và được thu gom riêng thành 3 loại: Rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và rác thải vô cơ. Mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong một thùng riêng biệt; rác thải vô cơ có thể tái chế hoặc thu gom tập trung tại điểm tập kết theo quy định; rác thải hữu cơ sẽ được dùng để ủ thành phân bón tại các hộ gia đình. Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại sẽ cho vào thùng ủ, khi rác đạt độ dày từ 20 - 30 cm thì dùng chế phẩm vi sinh pha với nước để tưới. Sau 30 - 45 ngày, lượng rác dưới đáy thùng sẽ tạo thành phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Đối với phế thải nông nghiệp như rác hữu cơ, rơm rạ sau khi thu hoạch việc đốt rơm rạ gây ra rất nhiều tác hại xấu, ô nhiễm không khí, góp phần gây ra biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của con người. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường và những tác hại xấu đến sức khỏe con người do việc đốt rơm rạ gây ra rơm rạ cần được thu gom thành đống, sau đó dùng chế phẩm sinh học bổ sung NPK để ủ sau 25 – 30 ngày dùng làm phân bón hữu cơ vi sinh; như vậy, vừa cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa giúp bảo vệ môi trường hiệu quả.

Những cách làm riêng

Ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn chia sẻ: Trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, UBND xã đang duy trì 05 người; trong đó có 03 người tại khu vực lò đốt, 02 người làm công tác thu gom trên địa bàn toàn xã. Vấn đề hỗ trợ cho người làm công việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt luôn được chúng tôi quan tâm; mức chi trả hỗ trợ khá tương xứng, tạo điều kiện để họ chuyên tâm làm việc. Hiện nay, UBND xã đang hỗ trợ cho người làm công việc xử lý tại khu vực lò đốt là 7 triệu đồng/người/tháng; với người làm nhiệm vụ thu gom, chúng tôi đang hỗ trợ 8 triệu đồng/người/tháng. “Mặc dù chỉ có 02 người thu gom nhưng rác trên địa bàn không có tình trạng ùn ứ; một trong những nguyên nhân tạo ra thành quả đó chính là làm tốt việc phân loại rác tại gia đình; qua đó, rác vận chuyển đi giảm được rất nhiều” ông Thắng nói.

Ông Đỗ Xuân Hợp (thôn Đô Lương, xã Vũ An) tâm sự: Thôn tôi có 48 hộ dân, việc phân loại rác tại nguồn đã được chúng tôi thực hiện từ năm 2006; rác thải hữu cơ đều được chôn lấp tại vườn của mỗi hộ gia đình; với rác thải vô cơ, các hộ trong xóm luân phiên chiu trách nhiệm chở rác của xóm ra bãi rác tập trung của xã. Hiện nay, phí thu gom rác, xóm tôi vẫn áp dụng theo quy định của xã là 5000 đồng/người/tháng; việc thu phí sẽ được thực hiện vào cuối năm và chi trả cho những gia đình làm công tác vận chuyển của năm đó. Bởi vậy, vấn đề rác thải sinh hoạt của xóm tôi không có vấn đề gì, ngõ xóm luôn sạch sẽ, tình làng nghĩa xóm luôn đoàn kết, mọi người đều vui vẻ.

Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải của huyện Kiến Xương chủ yếu vẫn là chôn lấp, tình trạng quá tải tại bãi rác của các xã đang lộ rõ. Để vấn đề rác thải sinh hoạt được xử lý tốt, hiệu quả, bền vững, lâu dài,… Thiết nghĩ, Kiến Xương nên sớm xây dựng khu xử lý rác thải rắn tập trung với quy mô lớn, công nghệ hiện đại; trước mắt hãy đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn nhằm hạn chế rác thải sinh hoạt phải đưa ra khu xử lý, chôn lấp; đồng thời nên quan tâm tới vấn đề kinh phí giúp các địa phương có điều kiện triển khai vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được tốt và ổn định hơn.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động