Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều chuyển biến tích cực
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đóng vai trò động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Kể từ giữa năm 2022, khi xung đột Nga - U-crai-na gia tăng, kết hợp chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã làm chậm lại đà phục hồi kinh tế toàn cầu, tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên liệu sản xuất đầu vào, giá hàng hóa thế giới tăng mạnh khiến lạm phát toàn cầu tăng lên nhanh chóng. Trước tình hình đó, các Ngân hàng Trung ương phải sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát nhằm duy trì ổn định của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp của Việt Nam như may mặc, da giày, đồ gỗ, sản phẩm điện tử …
Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều chuyển biến tích cực 6 tháng đầu năm 2023 |
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn với những biến động khó lường, lạm phát ở nhiều nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2023 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) giảm 2,9%. Một số ngành thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh, cụ thể: Sản xuất phương tiện vận tải giảm 10,9%; sản xuất trang phục giảm 9,3%; dệt giảm 7,4%; sản xuất kim loại giảm 7,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 7,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,1%.
Sang quý II/2023, ngành công nghiệp có những chuyển biến tích cực hơn so với quý I/2023, mặc dù tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới …, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc tiếp cận dòng tiền, thị trường xuất khẩu và đơn hàng. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2023 tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm nhẹ 0,4%, mức giảm này đã thu hẹp so với mức giảm 2,9% của quý I. Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp cấp II tăng trưởng tốt hơn quý I như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,7% (quý I tăng 0,6%); sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,4% (quý I tăng 3,2%); sản xuất thiết bị điện tăng 6,4% (quý I giảm 5,7%); sản xuất phương tiện vận tải tăng 5,4% (quý I giảm 10,9%); dệt tăng 2,9% (quý I giảm 7,4%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 0,3% (quý I giảm 7,2%).
Hình 1. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I và quý II năm 2023 (%) |
Cùng với đó, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 đạt cao hơn so với quý I, cụ thể: Xuất khẩu giày dép đạt 5.672 triệu USD, tăng 31% so với quý I/2023; dệt may đạt 8.578 triệu USD, tăng 19,6%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 563 triệu USD, tăng 16,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3.197 triệu USD, tăng 13,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1.432 triệu USD, tăng 12,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3.449 triệu USD, tăng 9,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13.177 triệu USD, tăng 9,5%; sản phẩm hóa chất đạt 626 triệu USD, tăng 7,2%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 51 địa phương và giảm ở 12 địa phương trên cả nước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn phải kể đến là: Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 1,8%; Long An tăng 3,4%; Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 18,5%; Vĩnh Long giảm 16,2%.
Hình 2. Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của một số địa phương 6 tháng đầu năm 2023 |
Trong thời gian tới, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm. Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất như sau:
Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả; cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngành điện cần đảm bảo nguồn điện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm của nắng nóng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu,…
Về lao động: Chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với doanh nghiệp gặp khó khăn;
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế;
Đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp;
Tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO