Lĩnh vực sản xuất công nghiệp Ninh Bình: Một năm đầy khởi sắc
Vượt qua khó khăn, thách thức, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,52%. Trong kết quả chung, sản xuất công nghiệp đã phát huy tốt vai trò động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, với tổng sản phẩm ngành công nghiệp ước đạt 15.522 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, các doanh nghiệp trong các KCN chiếm 70% tổng giá trị sản xuất.
Hoạt động sản xuất ô tô bên trong nhà máy Hyundai Thành Công |
Theo ông Bùi Duy Quang, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình, năm 2024, mặc dù vẫn còn khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh trong các KCN đã đạt được những kết quả rất quan trọng góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; tình hình sản xuất kinh doanh trong các KCN được duy trì và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN ước đạt trên 72.610 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 1,528 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023; nộp ngân sách đạt trên 13.560 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2023; duy trì việc làm cho trên 39.000 lao động, tăng 2.317 người so với năm 2023. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động ngày càng được nâng cao; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có thêm nhiều dự án đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Ninh Bình.
Ông Bùi Duy Quang, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình phát biểu tại một Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng của Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. |
Ngay từ đầu năm 2024, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành Chương trình công tác năm với 65 nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh; trong đó có 7 nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm của UBND tỉnh. Ban luôn chủ động, nghiêm túc thực hiện tốt Quy chế, từ đầu năm đến nay, Ban đã tiếp nhận khoảng 6.000 văn bản đến, phát hành khoảng 2.000 văn bản đi, đảm bảo đúng hạn, đạt yêu cầu chất lượng, không có văn bản chậm muộn.
Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý trật tự xây dựng trong địa bàn các khu công nghiệp.
Đồng thời thường xuyên kiểm tra định kỳ 2 lần/tháng đối với mỗi dự án, kết hợp kiểm tra đột xuất đối với mọi hoạt động có liên quan đến xây dựng công trình trong khu công nghiệp, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình xây dựng của các dự án trong các KCN.
Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép xây dựng được quản lý chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Các thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp theo đúng quy định.
Cùng với đó, Ban đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Vượt qua khó khăn, thách thức, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,52%. Trong kết quả chung, sản xuất công nghiệp đã phát huy tốt vai trò động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, với tổng sản phẩm ngành công nghiệp ước đạt 15.522 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, các doanh nghiệp trong các KCN chiếm 70% tổng giá trị sản xuất. (Trong ảnh: Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình) |
Với phương châm luôn “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Ban thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án đầu tư, các dự án đang dừng hoạt động, các dự án chậm tiến độ. Thông qua những chính sách mang tầm vĩ mô của Chính phủ đã kích cầu thị trường, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và duy trì tốt đời sống cho người lao động.
Có thể khẳng định cùng với những thành quả đạt được trong những năm qua và sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự quyết tâm đồng lòng của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là tiền đề, nền tảng cho sự phát triển của các khu công nghiệp trong năm tới.
Trên cơ sở đó, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trong các KCN năm 2025 đặt ra là: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của tập thể lãnh đạo; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các khu công nghiệp.
Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, tạo nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tiếp tục đổi mới toàn diện cả về phương thức và cách thức hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống và việc làm cho công nhân trong các khu công nghiệp.
Về các chỉ tiêu phấn đấu, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 72.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD; thu ngân sách đạt trên 14.480 tỷ đồng; duy trì việc làm cho trên 39.000 lao động.
Để đạt mục tiêu trên, trong năm 2025, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và phát huy hiệu quả các khu công nghiệp theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trọng tâm là hoàn thiện quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng các KCN nhất là KCN Tam Điệp II, KCN đô thị-dịch vụ Phú Long; Khu 35 ha mở rộng KCN Gián Khẩu, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch… của các nhà đầu tư chiến lược tạo ra sản phẩm công nghiệp mới có giá trị tăng thêm, đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; vận hành, quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Tiếp tục chấn chỉnh, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất kém hiệu quả. Tập trung kiểm tra, đôn đốc các dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2025 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, khẩn trương đưa vào sản xuất kinh doanh, có ít nhất từ 2 đến 3 sản phẩm mới trong năm 2025.
Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình cũng sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO