Ninh Bình: Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

02/10/2023 16:08 Địa phương
Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển khá. Tỉnh đã từng bước xác định, tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh bền vững như: ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày da…
Ninh Bình: Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thực trạng phát triển công nghiệp

Từ việc xác định ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ là những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng... giúp các doanh nghiệp sớm triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động.

Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 (theo giá so sánh 1994) đạt 20,2%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 19,6%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 16%/ năm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 80.814 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2016.

Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng khá là: sản lượng ô tô năm 2020 ước đạt 75.000 xe, tăng gấp 11 lần so với năm 2016, tăng bình quân 88,7%/năm; sản lượng camera modul năm 2020 ước đạt 195 triệu sản phẩm, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2016, tăng bình quân 30,3%/năm; linh kiện điện tử năm 2020 ước đạt 250 triệu sản phẩm, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2016; kính nổi năm 2020 ước đạt 430 triệu sản phẩm, tăng gấp hơn 9,4 lần so với năm 2016, tăng bình quân 38,7%/năm; may mặc ước đạt 88 triệu sản phẩm, tăng 70% so với năm 2016, tăng bình quân 13,7%/năm; giày dép ước đạt 35 triệu đôi, tăng 68% so với năm 2016, tăng bình quân 11,7%/năm...

Về phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm, đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến nay, có 5/7 khu công nghiệp (KCN) trong quy hoạch được thành lập đi vào hoạt động (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khâu, KCN Tam Điệp I, KCN Phúc Sơn. KCN Khánh Cư) với tổng diện tích đất quy hoạch 886 ha; đã có 111 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, đất công nghiệp đã cho thuê là hơn 632 ha; tổng số vốn đăng ký đạt trên 60.000 tỷ đồng; các KCN đã cơ bản lấp đầy. Hàng năm các doanh nghiệp KCN tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp từ 40.000 đến 60.000 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 5.000 đến 8.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động địa phương. Có 17/25 cụm công nghiệp (CCN) trong quy hoạch được thành lập với tổng diện tích gần 603 ha (08/17 CCN được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 2.326,8 tỷ đồng, trong đó 03 CCN cơ bản đầu tư xong hạ tầng, 05 CCN đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để triển khai). Tổng số dự án trong các CCN là 175 dự án, trong đó có 80 dự án là của các doanh nghiệp, 95 dự án của các hộ sản xuất với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 11.448,4 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký trong các dự án là 45.500 lao động. Doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở trong CCN hàng năm đạt từ 4.000 đến 6.000 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 100 đến 200 tỷ đồng.

Một số dự án lớn trong các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, phân bón, may mặc, giày dép nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Gián Khẩu sản lượng năm 2019 đạt gần 67.500 xe, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 21.100 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.800 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn (100 - 150 triệu SP/năm) sản lượng 2019 ước đạt gần 178 triệu sản phẩm năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.00 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1,098 tỷ USD;

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế như: phần đa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa; năng lực quản lý tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, trình độ lao động có tay nghề cao còn ít, lực lượng lao động ở các huyện, thành phố thiếu nhiều, nhất là ở các doanh nghiệp may mặc, giày da...; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu (mới chỉ có một vài sản phẩm ô tô, điện tử mang lại giá trị công nghiệp cao), một số ngành chủ yếu thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp; ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn ít, khả năng cạnh tranh kém, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp.

Việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đây là ngành nghề đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật và tài chính lớn.

Ngoài ra, việc phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp và các ngành dịch vụ có thu nhập cao dẫn đến sự chuyển dịch đáng kể lao động từ các làng nghề chuyển sang các lĩnh vực này, đã làm cho lực lượng lao động của làng nghề bị giảm sút, quy mô một số làng nghề bị thu hẹp (thêu ren, cói), giá thành sản phầm thủ công cao khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghiệp.

Hoạt động làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu mang tính tự phát, chưa có mô hình ban quản lý, tổ tự quản trong làng nghề để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ sản xuất trong làng nghề tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đồng thời làm đầu mối theo dõi tình hình hoạt động của các làng nghề, kịp thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị góp phần hỗ trợ làng nghề phát triển ổn định, bền vững. Một số các làng nghề như: nghề chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất bún bánh, gỗ mỹ nghệ, một số công đoạn sản xuất còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường về nguồn nước, không khí, tiếng ồn...

Định hướng phát triển công nghiệp

Tỉnh Ninh Bình phần đấu đến năm 2030, công nghiệp của tỉnh phát triển đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của vùng Đồng bằng sông Hồng, góp phần đưa Ninh Bình trở thành địa phương có vị trí cao trong Vùng. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chiếm khoảng 30% - 35% trong tổng GRDP của toàn tỉnh. Đến năm 2025, trở thành tỉnh có ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp đạt trên 200.000 chiếc/năm và tỷ lệ nội địa hóa đối với công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đạt khoảng 35 - 40%. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng bình quân trên 10%/năm.

Phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường, gắn với thị trường trong nước và khu vực. Tập trung đẩy mạnh phát triến các khu, cụm công nghiệp tạo mối liên hệ chặt chẽ với các khu, cụm công nghiệp trong khu vực. Coi đây vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu phát triển để thu hút các dự án công nghiệp lớn, tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại, điện - điện tử có hàm lượng công nghệ cao. Hạn chế các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tác động lớn đến môi trường như may mặc, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương trong mối liên hệ chặt chẽ với các ngành dịch vụ - thương mại và du lịch trên địa bàn.

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cản bộ quản lý và công nhân lành nghề thích nghi dần với cơ chế thị truường đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Định hướng nhóm dự án ưu tiên phát triển: Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục đầu tư và phát triển các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu mới…; khuyến khích và hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Các giải pháp phát triển công nghiệp

Thứ nhất, về quy hoạch và chính sách: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch như Quy hoạch công nghiệp, Quy hoạch cụm công nghiệp, Quy hoạch nghề, làng nghề để tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh làm căn cứ, cơ sở tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực cho từng giai đoạn; xây dựng danh mục ngành nghề ưu tiên khuyến khích đầu tư vào Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, về đầu tư hạ tầng: Tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, trước mắt là đấy nhanh hoàn thiện KCN Gián Khẩu 50 ha mở rộng, KCN Phúc Sơn, CCN Gia Lập, CCN Khánh Thượng... để tạo mặt bằng sạch và thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử. Hình thành và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung như cơ khí chế tạo, điện - điện tử, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, về thu hút đầu tư: Tiếp tục phát triển công nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đẩy mạnh vận động và xúc tiến đầu tư theo hướng thu hút các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu, sạch, công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hạn chế các dự án sử dụng nhiều lao động, đóng góp ít cho ngân sách. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch; tăng nhanh giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Thứ tư, về nhân lực: Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; ưu tiên và có chính sách thu hút đối với những người tài, người có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại tỉnh.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại... làm cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, phát triển, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi được cấp giấy phép; tổ chức gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động