Nông sản ùn ứ cửa khẩu: Bộ Công Thương vào cuộc
Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc |
Mặt hàng thanh long bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc xuất hiện. |
Trước tình hình trên, ngày 18/10/2019, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có Công văn số 1068/XNK-NS gửi Sở Công Thương Lạng Sơn và Lào Cai đề nghị: (i) Cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thanh long nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; (ii) Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời, hiệu quả các công tác điều phối hoạt động xuất khẩu thanh long (điều tiết phương tiện, phân luồng giao thông, trao đổi với phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc…); (iii) Bố trí cơ sở vật chất và nhân lực trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng; có thể sắp xếp làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ trong trường hợp cần thiết.
Cùng ngày, Cục Xuất nhập khẩu đã có Công văn số 1069/XNK-NS gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng trồng thanh long trọng điểm, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đề nghị: (i) Theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…; (ii) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát công tác sản xuất (diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng…); tiến độ thu hoạch; chủ động theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong nước, ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với nông sản nói chung và thanh long nói riêng trong mùa vụ năm 2019 để kịp thời có phương án xử lý phù hợp các vướng mắc phát sinh; (iii) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền cho các hộ nông dân, doanh nghiệp về cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của phía đối tác ngay tại nơi sản xuất để quá trình giao nhận thực hiện nhanh chóng; đồng thời hướng dẫn, triển khai tốt công tác truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung sau để giảm thiểu tình trạng ùn ứ nêu trên, đặc biệt trong giai đoạn chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, phát huy tối đa lợi ích tiềm tàng từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, tránh gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp:
Theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận hàng hóa; điều tiết, giãn tiến độ vận chuyển và giao hàng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) trong thời điểm hiện nay để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa.
Chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương để điều tiết hoạt động xuất khẩu hàng hóa khi cần thiết.