Các dự án nâng tầm giá trị nông sản đạt giải cao Khởi nghiệp xanh 2024
Theo kết quả đã được công bố và trao giải “Khởi nghiệp Xanh 2024”, giải Nhất bảng A (ý tưởng, dự án hoạt động dưới 1 năm) thuộc về dự án đến từ TP. Hồ Chí Minh “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” của Mai Tuấn Anh với phần thưởng trị giá 60 triệu đồng.
Dự án phát triển các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami đạt giải Nhất "Khởi nghiệp Xanh 2024" ở nội dung ý tưởng, dự án hoạt động dưới 1 năm |
Những sản phẩm bánh khoai mì Cusami (Củ sắn mì) với điểm đặc biệt là từ nguyên liệu dân dã là củ khoai mì được chế biến thành các món đặc biệt vốn dùng bột lúa mì làm nguyên liệu…
Ở bảng B - nội dung dự án hoạt động trên 1 năm, giải Nhất với phần thưởng trị giá 150 triệu đồng thuộc về dự án “Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm" của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Nguyễn Ngọc Thanh Hà đến từ tỉnh Đồng Tháp. Sản phẩm của dự án là trà trái cây và các loại trái cây (tắc, bưởi và mãng cầu xiêm) được sấy khô bằng công nghệ hiện đại, giữ nguyên hương vị tự nhiên và các dưỡng chất.
Dự án “Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm" của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Nguyễn Ngọc Thanh Hà đến từ tỉnh Đồng Tháp đạt giải Nhất ở nội dung dự án hoạt động trên 1 năm |
Ngoài ra, tham gia giải còn có các dự án nâng tầm giá trị nông sản khác gây ấn tượng và được ban tổ chức trao giải thưởng. Hai giải Nhì bảng A thuộc về dự án đến từ Lạng Sơn “Chanh rừng Co Loi - Mẫu Sơn và các sản phẩm từ chanh rừng hướng tới sản phẩm OCOP” của Nguyễn Thị Phương Thuỳ Tô Phương Quỳnh. Dự án “Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi lọc khí” của nhóm dự án Thông Long, Nguyễn Thị Kiều Loan, Nguyễn Ngọc Vân Anh đến từ tỉnh Bình Thuận.
Dự án “Nâng cao giá trị quả bơ Tây Nguyên – Mỹ phẩm thiên nhiên Pơ Lang” của nhóm thí sinh Phạm Thị Thu Hằng, Vũ Thị Huệ, Đinh Huy Thắng (Đắk Lắk) và “Ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong tổ chức liên kết nuôi heo thảo dược vì sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát” của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Hoài Sen, Nguyễn Thị Hiền (Quảng Bình) cũng cũng trao giải Nhì bảng B. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao giải Ba ở bảng A và bảng B cùng các giải khuyến khích cho những dự án tiềm năng khác tại cuộc thi.
Cùng với giải thưởng, ban tổ chức cũng đã trao 30 suất tham gia khóa học và thực tập về bao bì, tư vấn thiết kế bao bì do Tafuco tài trợ. Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, ban tổ chức còn trao giải “Hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn ươm tạo” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp - BSA thực hiện cho 10 doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh với nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm mới và tăng doanh thu hơn so 2023 theo chương trình nhiệm vụ khoa học công nghệ của TP. Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2025 cho 10 dự án trong hệ sinh thái khởi nghiệp xanh: Công ty CP Dừa nước Việt Nam, Công ty TNHH thực phẩm Khang Nhi Ý, Công ty TNHH TMDV Biển Phương, Công ty CP Đầu tư XNK Phúc Lộc Thọ, Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, Công ty TNHH SX & TM An Nhiên, HTX chăn nuôi dê xã Đa Phước, Công ty TNHH SX TM ĐT Thiên Thảo, Công ty TNHH 2G, Công ty TNHH Yam Kitchen.
Vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp Xanh 2024” với sự tham gia của 36 ý tưởng, dự án. Trong đó, bảng A là 12 ý tưởng, dự án và bảng B là 24 dự án. 36 dự án đến từ 26 tỉnh, thành, trải dài từ Bắc – Trung – Nam, như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang. Trong đó, có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình.
Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần thứ 10 – 2024 đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc, trong đó yếu tố xanh được tăng lên so với nhiều năm trước |
Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2024, bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp cho biết: “Trải qua 10 năm của cuộc thi, đến nay Trung tâm BSA đã kết nối và phối hợp ngày càng nhiều hơn với những chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy cho các dự án trong hệ sinh thái Khởi nghiệp Xanh. Chính sự liên kết, kết nối và hỗ trợ các dự án sau cuộc thi bằng nhiều hình thức khác nhau đã giúp những người khởi nghiệp của Khởi nghiệp Xanh ngày một đứng vững hơn trên thị trường nội địa. Đây là tiền đề cho nhiều bạn trẻ đã đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp của chúng tôi vươn ra xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế, với các yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa. Họ thực sự đang trên con đường trở thành những doanh nông trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được chế biến sâu đến nhiều nơi trên thế giới”.
Các dự án khởi nghiệp xanh bám sát hơn với nhu cầu cuộc sống Đánh giá về Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần thứ 10 – 2024, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tư duy và nhận thức của dự án khởi nghiệp xanh nay đã khác. Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần thứ 10 – 2024 đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong tư duy và cách tiếp cận của các thí sinh. Các dự án năm nay có sự chuẩn bị toàn diện hơn. Không chỉ có ý tưởng, sản phẩm được phát triển rõ nét và chi tiết hơn, mà các dự án còn nhấn mạnh yếu tố xanh, xem đây là bản sắc riêng trong khởi nghiệp.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chính những thay đổi về nhận thức, tư duy đã giúp các dự án khởi nghiệp xanh bám sát hơn với các nhu cầu của cuộc sống hiện nay. Đầu tiên, các dự án thi chuẩn bị một cách tương đối đầy đủ, toàn diện hơn. Khác với trước đây có những dự án có ý tưởng, có sản phẩm nhưng sơ sài, thiếu nhiều khía cạnh khác nhau. Còn bây giờ các bạn đã biết phải làm như nào. Thứ hai là nhân tố xanh được tăng thêm nhiều ở năm nay. Nhiều dự án đã đi sâu tìm hiếu, nhấn mạnh những yếu tố xanh này. Họ lấy yếu tố xanh làm đặc trưng trong khởi nghiệp. Điều này nó khác với những người khởi nghiệp khác. Bởi như chúng ta thấy bây giờ nhiều nơi khởi nghiệp người ta nhấn mạnh đến công nghệ, còn mình thì các dự án nhấn mạnh yếu tố xanh. Thứ ba là các dự án cũng có chú ý đến tính sáng tạo, bởi khởi nghiệp khác với lập nghiệp là mở một doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Nó phải có yếu tố sáng tạo, phải ứng dụng hoặc là công nghệ mới hoặc là quản trị mới, cách làm mới…đó những điểm mà doanh nghiệp khởi nghiệp xanh lần này chú ý đến sự sáng tạo. Sự sáng tạo này nó chuyển biến rõ ràng trong các cuộc thi khởi nghiệp lần thứ 8, thứ 9, và lần thứ 10 này là khá rõ nét, nổi trội. Cuối cùng là yếu tố thương mại, thị trường. Lần thi năm thứ 10 này các dự án nhấn khá mạnh ở yếu tố thương mại hóa sản phẩm. Do vậy, ở bảng chấm điểm của ban giám khảo thì phần thương mại hóa sản phẩm là điểm quan trọng. Bởi hiện nay trong một thị trường cạnh tranh gay gắt như bây giờ, thói quen người tiêu dùng thay đổi, nếu không hiểu, tính toán và làm được về khía cạnh thương mại hóa sản phẩm thì những ý tưởng có hay đến mấy hay sản phẩm tốt đến mấy cũng khó có thể sống nổi trên thương trường. |
Thanh Hải